Thành công, có địa vị vẫn trầm cảm
Tại Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình chờ đợi tái khám sau gần 1 năm mắc bệnh trầm cảm, anh N.M.H (24 tuổi, ngụ Long An) kể lại đột nhiên anh bị mất ngủ, mệt mỏi kéo dài dù các vấn đề về cuộc sống từ gia đình, tình cảm, đến công việc... của anh không gặp trục trặc.
"Đôi lúc tôi còn nghe tiếng la hét, chửi mắng trong đầu. Thời gian mắc bệnh, tôi thường nằm một mình trong phòng không muốn gặp gỡ hay trò chuyện với ai. Bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, buồn phiền nhiều hơn" - anh H. chia sẻ. Anh cho biết sau gần 1 năm điều trị, hiện tình trạng bệnh đã cải thiện hơn trước, nhưng anh vẫn cảm thấy xấu hổ nếu để người khác biết mình mắc bệnh trầm cảm.
Theo ThS-BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, không chỉ riêng anh H., nhiều nam giới trưởng thành, có địa vị, công việc, tài chính nhưng vẫn rơi vào trầm cảm. Bằng chứng là mới đây, Bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân N.T.A (45 tuổi) bị rơi vào trầm cảm sau khi du học ở nước ngoài trở về.
Bệnh nhân là một Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế và mới kết hôn được 3 tháng. Thời điểm bệnh nhân đến thăm khám, sau khi được gia đình phát hiện có ý định tự tử. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý trị liệu. Đến nay, sau thời gian điều trị, anh đã trở về cuộc sống bình thường và hiện vợ chồng anh đã có con.
"Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân đến khám được chẩn đoán mắc trầm cảm, nhưng họ vẫn không tin rằng bản thân mắc bệnh. Sau đó, dù cố gắng thuyết phục điều trị nhưng người bệnh vẫn bỏ tái khám", bác sĩ Mẫn nói.
Stress không kiểm soát
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Kim Hoàn, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh cho biết: 4 tháng đầu năm 2024, Bệnh viện có 80.887 lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú. Trong đó, có hơn 6.867 người đến khám vì trầm cảm, thì nam giới có 2.178 lượt khám, nữ giới là 4.689.
Theo bác sĩ Hoàn, tỉ lệ bị trầm cảm trong dân số chung, nữ giới thường bị gấp đôi nam giới vì sự khác nhau giữa tính cách, loại hình thần kinh… "Tính cách của người nam hay thể hiện sự mạnh mẽ, sức mạnh đàn ông nên họ cố gắng chống lại để vượt qua. Bên cạnh đó, có những trường hợp trầm cảm nhẹ họ vượt qua được, nhưng vẫn có những người không vượt qua được nên dẫn đến nặng. Khi mắc bệnh, nam giới cũng khó điều trị hơn nữ giới, vì nhiều người đến bệnh viện khi bệnh đã diễn tiến nặng do tâm lý kỳ thị bệnh vẫn còn xuất hiện nhiều trong cộng đồng", bác sĩ Hoàn chia sẻ.
Theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn, có 3 nhóm nguyên nhân gây trầm cảm gồm: Thứ nhất, do bệnh lý thực thể như người bệnh, đột nhiên phát hiện mắc bệnh ung thư, đột quỵ, tai biến mạch máu não…; thứ hai, do tâm lý, ví dụ áp lực công việc, xung đột trong các mối quan hệ (vợ, chồng, con cái…), áp lực khiến stress. Nếu stress kéo dài không giải quyết được sẽ dẫn đến trầm cảm và thứ ba là do nội sinh, điển hình như bệnh nhân N.M.H tự rơi vào trầm cảm mà không có nguyên nhân.
Theo bác sĩ Mẫn, tùy theo cơ địa, vấn đề người bệnh gặp phải và sức chịu đựng của mỗi người từ giai đoạn stress đến trầm cảm sẽ có thời gian khác nhau. Việc điều trị cần phải kết hợp dùng thuốc và tâm lý trị liệu mới mang lại hiệu quả. Trầm cảm đến từ 1/3 nguyên nhân do di truyền, còn lại 2/3 đến từ stress do kiểm soát không tốt.
Bác sĩ Mẫn cho hay, stress là sự mất cân bằng giữa nhu cầu và mức độ thỏa mãn trong 8 mặt của cuộc sống gồm: gia đình; bản thân; bạn bè (người thân thuộc, bà con...); tài chính; công việc, thăng tiến; thể thao, giải trí, thư giãn; lòng tin (tín ngưỡng); xã hội...
"Khi gặp stress, nhiều người thường ứng phó bằng 4 cách gồm: chống lại; bỏ chạy (trốn...); thu mình lại; thích ứng, sống chung với stress. "Nếu 4 cách này kiểm soát không tốt sẽ dẫn đến rối loạn lo âu, về lâu dài sẽ dẫn đến trầm cảm và từ trầm cảm sẽ dẫn đến tự tử", bác sĩ Mẫn phân tích.