Hạnh phúc nơi chợ phiênĐêm trước ngày diễn ra chợ phiên, đứng từ đỉnh cao nhất của Sản Sín Pao nhìn xuống, thấy Sín Chéng lấm tấm vài ánh đèn đỏ đục nằm thấp thoáng trong sương hệt như chiếc bánh đa vừng. Nhưng cảm giác xa xôi, diệu vợi ấy sẽ tan biến ngay khi bình minh vừa ló rạng, người xe từ khắp các vùng xa xôi nườm nượp kéo về, tất bật và ken dày như hạt ngô trên thân bắp.
Chợ phiên Sín Chéng nằm ở trung tâm xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Chợ được họp vào thứ 4 hằng tuần. Chợ là nơi hội tụ của nhiều đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Si Ma Cai và các huyện khác của tỉnh Lào Cai đến giao lưu, trao đổi, buôn bán.
Có người về đây sau khi đã vượt Thào Chư Phìn bốn mùa chìm trong mây trắng tinh như bông gòn; cũng có người xuyên rừng Quan Thần Sán, đi bộ từ lúc ông sao Mai còn chưa mọc chỉ để mua con dao mới; hay duyên dáng hơn là những cô gái Bản Mế rủ nhau tới chợ để khoe bộ váy vừa thêu xong vẫn còn nguyên nếp hồ. Những chàng trai Lùng Sui mặt ửng hơi men, phấn khích cất lên điệu khèn lá, khèn môi tình tứ. Và ở gian hàng nào cũng dễ dàng bắt gặp một ông lão Nàn Sín đang ngồi nhâm nhi chén rượu với bát thắng cố, hay để chắc cái bụng hơn thì ăn một bát xôi bảy màu dẻo thơm mùi thảo mộc được gói từng đùm trong lớp lá dong riềng.
Có bà cụ chỉ ẵm theo con mèo con và thế cũng thành một phiên đi chợ. Mèo ngồi trên đầu gối bà cụ vẫn còn kêu “ngoeo ngoeo” vì nhớ sữa mẹ. Mấy chú cún con được bà chủ cẩn thận hái nắm lá cây ven đường để chúng đứng lên cho đỡ bẩn chân, chẳng gì cũng sắp phải chia tay nhau rồi… Góc kia vài cô gái má đỏ hây hây, tay cầm một bó thừng buộc cổ mấy con lợn đen tí xíu mà người miền xuôi quen gọi là lợn cắp nách, cái mũi hồng dụi dụi nền đất nhão nhoét, gặp ai cũng ngoáy tít đuôi kêu ụt ịt. Các cô vừa đứng bán vừa che miệng tán chuyện với nhau, chắc hẳn trong câu chuyện ấy sẽ hiện hữu vài anh chàng đang “khoe mẽ” ngoài kia bằng mấy điệu khèn lá, mắt cứ hướng vào góc này như chờ đợi, như muốn nói điều gì...
Đi chợ phiên thấy trẻ con đứa nào cũng da trắng mịn, mắt đen biếc, môi và má luôn đỏ căng như quả đào chín. Chúng nằm ngủ ngon lành trên lưng mẹ, mặc cho ngoài kia người ta đang hát:“Tay em biết cầm kim khâu áo, anh không có lòng thì thôi, nếu có lòng thì về ta ở với nhau một ngày. Tay em biết cầm sợi se lanh, anh không có lòng thì thôi, nếu có lòng thì về ta ở với nhau một đêm”. Lũ trẻ cứ thế lớn lên trong cái không khí ồn ào của chợ phiên, trong lời ca tình tứ được cất lên từ những người đang nồng nàn hơi men, hơi tình, cứ hồn nhiên như cây cỏ, thẳng tắp như thân ngô mọc trên đá, rồi lại đi chợ và tiếp tục hát những bản tình ca của riêng dân tộc mình.
“Sàn giao dịch trâu” miền biên ảiKể về chợ Sín Chéng mà không nhắc tới điều này thì có lẽ sẽ là thiếu sót lắm. Mỗi phiên họp, người dân và thương lái lại tập trung về đây hàng trăm con trâu, trên lưng viết tên ông chủ bằng vôi trắng, người mua chỉ việc vào gian hàng thắng cố, gọi to cái tên ấy ra mà ngã giá. Có gã lái trâu miền xuôi lên, cứ nắm sừng con trâu có chữ “Páo” mà gân cổ gọi, ra điều tao có tiền, mày ra đây bán đi. Gã không biết rằng, con trâu ấy được Thào Páo mang ra chỉ để khoe rằng, nó đã giúp nhà tao làm hai tạ lúa nương đấy chứ đâu phải cứ mang trâu ra chợ là bán đâu mà gọi!
Sín Chéng còn được biết đến có đặc sản gạo ngon và giống vịt bản địa. Thời điểm lúa bắt đầu chín, người dân ươm đàn vịt bầu. Cuối vụ, đàn vịt được ra ruộng để mót lúa rụng. Những quả trứng vịt Sín Chéng nhặt trên ruộng lúa không nhiều nhưng vô cùng thơm ngon. Để cho dễ hình dung thì giá cả của một quả trứng vịt Sín Chéng có khi lên tới gần chục ngàn đồng. Du khách sành ăn đến Sín Chéng luôn tìm cách mua cho bằng được trứng vịt đặc sản về làm quà nhưng không phải cứ muốn tìm là sẽ mua được!
Cất công lặn lội đường xa về đây, còn để được thấy cả một không gian trập trùng mây, trập trùng núi cơ man nào những đám quay, ném pao, múa khèn… Tách ra, rải rác đó đây trên những vạt rừng thưa thoáng là những tay ô, những tiếng kèn lá, đàn môi, những tiếng hát rủ nhau, chài nhau, đuổi nhau vang vọng. Vậy đó, người ta đi chợ để chơi, để xem, để tìm nhau, hò hẹn nhau, giao đãi nhau… Có người đi chợ mang hàng về. Có người đi chợ mang “vợ” về! Giống như nhà thơ Trương Hữu Thiêm từng tình tự: Có vợ đem theo vợ/ Có chồng rủ cả chồng/ Không có cứ đến chợ/ Sẽ gặp người đi không…