Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông Nguyễn Minh Hướng phát biểu tại phiên họp thường kỳ đánh giá tình hình, kết quả hoạt động tại huyện Đắk Glong Vươn lên từ gian khó
Là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông có trên 37% dân số là người DTTS, phân bố chủ yếu tại các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk R’lấp… Đây cũng là những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, luôn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh.
Tại huyện Đắk Glong – địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo 6,9% cao nhất tỉnh, hàng ngàn hộ đồng bào DTTS đã và đang tiếp cận nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế. Gia đình ông K Độ, Bon B' Srê A xã Đắk Som, huyện Đắk Glong trước đây thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chỉ trông chờ vào rẫy bắp, rẫy mì. Sau khi được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng cà phê, cây hồ tiêu. Chỉ sau vài năm, thu nhập của gia đình ổn định, đủ điều kiện thoát nghèo và vươn lên khá giả, và đã mua thêm 02 ha để mở rộng thêm vường cà phê và tiêu.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thủy, dân tộc Mường ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, thu nhập bấp bênh. Năm 2022, tôi được vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nhờ có vốn, tôi trồng thêm 2 ha cà phê và mua máy xay xát nông sản. Hiện nay, mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 120 triệu đồng”. Nhờ nguồn vốn chính sách, chị không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần tạo việc làm cho 2 lao động địa phương.
Không chỉ ở huyện Đắk Glong hay huyện Tuy Đức, các huyện như Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil… cũng đang ghi nhận sự thay đổi rõ nét trong đời sống của đồng bào DTTS. Theo thống kê của NHCSXH tỉnh, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân lũy kế số tiền 5.663 tỷ đồng cho trên 126.548 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.
Nguồn vốn đã giúp người dân mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi, xây dựng các công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, từng bước cải thiện điều kiện sống và môi trường nông thôn.
Nguồn vốn chính sách trao cơ hội đổi đời cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng yếu thế ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông)Thêm nguồn lực – Thêm kỳ vọng
Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông Vũ Anh Đức cho biết, Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư là kim chỉ nam cho sự phát triển tín dụng chính sách xã hội. Từ năm 2014 đến nay, cùng với nguồn vốn Trung ương, tỉnh Đắk Nông đã bố trí hơn 84 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH, giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Đến hết tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.887 tỷ đồng, với 70.342 khách hàng còn dư nợ, số hộ đang còn dư nợ tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh chiếm 40,7% số hộ dân cư trong toàn tỉnh. Nợ quá hạn luôn được duy trì ở mức dưới 0,09%, phản ánh rõ hiệu quả quản lý và sự đồng hành trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh.
Đồng bào DTTS tại tỉnh Đắk Nông đã mạnh dạn vay vốn chính sách để mở rộng gia trại, phát triển chăn nuôi, trồng trọt mang lại thu nhập kinh tế hiệu quảĐặc biệt, hệ thống Điểm giao dịch xã được duy trì tại 100% xã, phường, thị trấn, cùng 1.681 Tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp người dân tiếp cận vốn ngay tại nơi cư trú mà không phải đi xa, tiết kiệm thời gian và chi phí. Sự gắn kết giữa ngân hàng và cộng đồng đã tạo nên một mạng lưới tài chính vi mô bền vững, mang tính nhân văn sâu sắc.
Bên cạnh cho vay sản xuất, NHCSXH Đắk Nông cũng triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng đặc thù như cho vay học sinh – sinh viên, cho vay xây dựng nhà ở xã hội, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Trong đó, riêng chương trình cho vay nhà ở xã hội đã giải ngân 265 tỷ đồng cho 265 hộ gia đình cán bộ, công chức, người lao động thu nhập thấp có điều kiện ổn định chỗ ở.
Từ những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đang phát huy vai trò là “đòn bẩy” xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an sinh bền vững tại Đắk Nông. Đồng vốn ưu đãi không chỉ mang đến sinh kế mà còn nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của hàng ngàn hộ dân nghèo, từng bước xây dựng một diện mạo nông thôn mới khởi sắc, bình đẳng và nhân văn hơn ở vùng đất cực Nam Tây Nguyên.