Ghi nhận tại xóm Lân Quan - xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Long với trên 90% là đồng bào người Mông, cho thấy đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi nhờ hiệu quả của các chính sách dân tộc. Gia đình chị Lý Thị Sinh từng là hộ nghèo của xóm, tuy nhiên, năm 2023, gia đình chị đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ kinh phí xây nhà và phát triển sản xuất.
Chị Sinh, cho biết: Ngôi nhà 50m2 trước đây của gia đình đã cũ nát, chỉ lo bị sập mỗi khi mưa to, gió lớn. Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng do Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ, chúng tôi đã xây căn nhà mới kiên cố, chồng tôi yên tâm đi làm công nhân ở khu công nghiệp.
Tương tự, ở xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng, chị Lý Thị Du, dân tộc Nùng cũng được hỗ trợ 46 triệu đồng, vay vốn Ngân hàng chính sách 40 triệu đồng, để xây nhà; hỗ trợ mua téc nước đảm bảo vệ sinh môi trường và 1 con bò nái sinh sản. Chị Du, chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành mà gia đình có nhà ở an toàn, chúng tôi sẽ cố gắng chăn nuôi, lao động sản xuất thật tốt để không tái nghèo…
Ngoài triển khai các chương trình hỗ trợ làm nhà, cây, con giống phát triển sản xuất thì công tác dạy nghề, tạo việc làm cũng được huyện Đồng Hỷ chú trọng. Tính riêng từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Đồng Hỷ đã tổ chức 2 ngày hội việc làm, kết nối 36 đơn vị doanh nghiệp đến tư vấn, tuyển dụng cho gần 2.000 lao động là người DTTS tham gia tiếp nhận thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp.
Huyện cũng tổ chức 17 lớp đào tạo nghề cho trên 500 lao động nông thôn, kết thúc lớp đào tạo 100% học viên được cấp chứng chỉ nghề và 80% học viên có việc làm...
Việc lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia kết hợp với công tác giải quyết việc làm đã giúp bà con nông dân, trong đó có đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có điều kiện thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế. Tính riêng trong 2 năm qua, trên địa bàn huyện giảm 998 hộ nghèo là người DTTS, tương ứng với 8,38% (vượt 5,3% kế hoạch đề ra)…