Là một trong những huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa với dân số chủ yếu là người Mường, Thái, người dân huyện Bá Thước chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, trồng rừng và khai thác lâm sản. Đời sống của bà con chỉ biết trông chờ vào những ruộng lúa, nương ngô, rẫy sắn… Những năm gần đây, nhờ biết tới dược liệu, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Bá Thước đã thoát khỏi cái nghèo, vươn lên ổn định từng ngày.
Gia đình ông Nguyễn Đình Hải (xã Điền Trung) cũng nhờ nhận thấy nhu cầu thu mua cao của thị trường với sản phẩm dược liệu hoa đu đủ đực nên đã chuyển đổi từ trồng hoa màu sang dược liệu. Hoa đu đủ đực là loại dễ chăm sóc lại thích hợp với địa hình đất đồi ở Bá Thước. Hiện nay, hoa đu đủ đực được áp dụng vào nhiều bài thuốc dân gian với nhiều công dụng khác nhau, nhu cầu thu mua của loại dược liệu này khá lớn. Sau gần 2 năm triển khai trồng cây đu đủ lấy hoa, cứ khoảng 5 ngày, gia đình ông Hải lại thu hoạch một lứa hoa với khoảng 6-7kg thành phẩm với giá gần 300.000 đồng/kg.
Việc thành công trong hướng chuyển đổi trồng dược liệu của các hộ dân khác tại địa phương là nhờ một phần giúp đỡ của Mô hình trồng dược liệu của HTX Pù Luông là điểm sáng trong trồng dược liệu. HTX Pù Luông hiện có 5ha dược liệu với những loại dược liệu phổ biến như: chè đắng, cà gai leo, cây xạ đen, ngải cứu… Nếu như trước kia thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào lúa và hoa màu thì nay dược liệu đã mang đến thu nhập cao gấp 3-4 lần.
Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Pù Luông cho biết: Việc trồng dược liệu cho thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/sào, trong khi đó các cây hoa màu như ngô, mía chỉ cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng/sào.
Không chỉ đem lại công ăn việc làm cho bà con địa phương, HTX Pù Luông đã có 20 thành viên cùng tham gia trồng dược liệu. HTX còn hướng dẫn và hỗ trợ các hộ gia đình kinh nghiệm nuôi trồng, chăm sóc và thu hoạch dược liệu sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, HTX liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm dược liệu thô tại vườn nhằm tạo đầu ra ổn định cho bà con. Mỗi năm, sản lượng bình quân trung bình của HTX lên tới 50 tấn. Hiện nay, HTX vẫn đang mở rộng để đáp ứng đủ nguồn cung cấp dược liệu cho thị trường. Trong năm 2023, HTX Pù Luông đã nhân rộng diện tích vùng trồng dược liệu rộng thêm ở nhiều xã và nâng thêm số thành viên tham gia HTX.
Khuyến khích người dân phát triển dược liệu gắn liền với bảo vệ rừng
Là địa phương có diện tích rừng lớn, kèm theo đó nguồn tài nguyên dược liệu ở Bá Thước cũng vô cùng phong phú. Trước kia, những loài dược liệu như giảo cổ lam mọc nhiều nhưng vì sức mua lớn, người dân lên rừng khai thác ồ ạt. Sau một thời gian, loài cây này đang có nguy cơ cạn kiệt dần. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã kêu gọi là truyền dạy kỹ năng giữ gìn, bảo tồn dược liệu nói chung và giảo cổ lam nói riêng cho người dân. Qua những buổi tuyên truyền, người dân không chỉ biết tận dụng rừng để trồng thâm canh năng suất mà còn biết nhân giống dược liệu. Người dân không còn phụ thuộc vào nguồn dược liệu từ tự nhiên, thay vì đó họ chủ động trồng, chăm sóc và tạo ra dược liệu.
Xã Thành Lâm, huyện Bá Thước chủ yếu là dân tộc Thái với nhiều bài thuốc cổ truyền từ bao đời nay. Tuy nhiên việc khai thác ồ ạt cây sói rừng (hay còn gọi là chè rừng, chè dại) đã khiến loài cây này dần khan hiếm. Là một trong những người đầu tiên đưa cây sói rừng từ tự nhiên về nhân giống và chăm sóc, bà Hà Thị Thưa đã sở hữu 500m2 cây sói rừng dưới tán cây ven đồi. Từ khi gieo trồng, chăm sóc cây sói rừng tới khi thu hoạch mất khoảng 2 năm. Mỗi kg sói rừng khô được thu mua với giá 30.000 đồng.
Không chỉ có sói rừng, giảo cổ lam đang trở thành một trong những sản phẩm dược liệu nổi bật của huyện Bá Thước. Giảo cổ lam là loại dược liệu có thể thu hái cả thân, lá, ngọn để chế biến. Với giá ngọn, lá tươi có giá dao động khoảng 30.000 đồng/kg và 200.000 đồng/kg cho sản phẩm đã sao khô. Nhiều hộ dân đã có thu nhập lên tới trăm triệu mỗi năm nhờ trồng giảo cổ lam.
Nhờ có các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân tại huyện Bá Thước đã tận dụng được lợi thế từ tự nhiên để đem hiệu quả cao trong việc trồng dược liệu. Những đổi thay ban đầu không chỉ đem đến niềm hy vọng cho bà con nơi đây về một cuộc sống ổn định mà còn góp phần thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát sang canh tác theo mô hình có hiệu quả kinh tế cao.
Để việc trồng dược liệu trở thành một trong những mũi nhọn về kinh tế, huyện Bá Thước cần tập trung tạo sự liên kết bền vững giữa nhà nông – doanh nghiệp – cơ quan quản lý Nhà nước. Khi có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tiềm năng dược liệu, đem đến hiệu quả kinh tế cao, bền vững.