Khai thác lợi thế
Xã Kỳ Thượng, một trong những xã vùng sâu, vùng xa nhất của Tp. Hạ Long. Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, xã còn được đánh giá là địa phương có tài nguyên du lịch tự nhiên, với nhiều dãy núi cao, nhiều hệ thống sông, hồ, suối, thác nước dựng đứng, đan xen giữa rừng xanh bạt ngàn tạo thành khung cảnh tự nhiên “sơn thủy hữu tình”, khí hậu mát mẻ quanh năm, được coi như “cỗ máy điều hòa khổng lồ” cho Tp. Hạ Long.
"Xã còn có rừng đầu nguồn, rừng sinh thủy nên nguồn nước sạch dồi dào, hệ sinh thái đa dạng. "Khí hậu ở Kỳ Thượng không thua gì Tam Đảo hay Sa Pa, thậm chí còn trong lành, tuyệt vời hơn", ông Bàn Văn Vi, Trưởng thôn Khe Phương khoe với chúng tôi.
Xác định lợi thế giá trị về lâm nghiệp, cảnh quan tự nhiên; bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích, vận động, định hướng cho người dân khai thác tiềm năng, lợi thế để làm du lịch cộng đồng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh Nguyễn Trung Kiên sau nhiều năm ấp ủ đã quyết tâm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp Farm, tại thôn Khe Phương. “Sau những lần đến với núi rừng và bà con vùng đất Kỳ Thượng, gia đình tôi đã quyết tâm bắt tay vào làm du lịch, liên kết với một số hộ để cùng cộng đồng sinh lợi”, anh Kiên chia sẻ.
Cũng nhờ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mà nhiều lao động trên địa bàn đã có việc làm, ổn định cuộc sống. Anh Bàn Văn Huy, người dân tộc Dao, hồ hởi kể: “Được công ty du lịch nhận vào làm, tôi đã có việc làm và thu nhập ổn định, giúp gia đình vươn lên thành hộ khá giả trong thôn”.
Phát triển du lịch bền vững
Một trong định hướng phát triển của Kỳ Thượng, cũng như nhiều xã vùng cao của Tp. Hạ Long, đó là hướng đến phát triển các mô hình du lịch bền vững, phát triển thêm mô hình dịch vụ mới nhưng vẫn bảo vệ toàn diện rừng tự nhiên, bảo vệ tài nguyên nước, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa bản sắc đồng bào dân tộc Dao.
Đồng thời, tận dụng địa hình khe suối có thể cải tạo lòng suối, để có thể đi thuyền ngắm cảnh hai bên bờ suối tự nhiên, gắn với Tour trải nghiệm do người địa phương dẫn đường để khám phá thiên nhiên trong khu bảo tồn, đỉnh núi Thiên Sơn.
Trong phương án phát triển rừng bền vững do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng đề xuất, cũng định hướng các loại hình du lịch chính, như: Du lịch sinh thái - trải nghiệm thiên nhiên, du lịch khám phá thiên nhiên/mạo hiểm leo núi, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch văn hóa phi vật thể, vật thể, du lịch hội nghị, hội thảo và du lịch cộng đồng.
Sản phẩm du lịch chính như: Tham quan, Check in, tắm suối, bơi lội, câu cá, thư giãn, ngắm cảnh trong rừng, du lịch học tập/nghiên cứu, du lịch ẩm thực truyền thống (rượu chua, canh gà nấu gừng, ốc khe…), du lịch chăm sóc sức khỏe (tắm thuốc nam người Dao)...
Ông Nguyễn Đức Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, hiện nay địa phương đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch, thông qua các sản phẩm du lịch đặc trưng của Kỳ Thượng đến với du khách thăm quan Hạ Long, khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào Dao Thanh Phán, trải nghiệm món ăn đặc trưng của Kỳ Thượng.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, phát triển du lịch sinh thái kết hợp với khai thác giá trị văn hóa bước đầu phát huy hiệu quả, khẳng định hướng đi đúng đắn trong lộ trình phát triển du lịch của xã Kỳ Thượng nói riêng, cũng như Tp. Hạ Long nói chung. Từ định hướng này, góp phần tạo việc làm ổn định, cải thiện đời sống cho người dân, vừa lưu giữ, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn.