Hiện, Việt Nam đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới. Cả 3 chương trình này đều có tiểu dự án về giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mở rộng quy mô, trình độ... từ đó nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn, rào cản trong quá trình triển khai các tiểu dự án về giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, khó khăn đầu tiên là do đối tượng, địa bàn tại 3 chương trình mục tiêu quốc gia có tính chất tương tự; trên một địa bàn có thể thụ hưởng kinh phí từ nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa nắm rõ về đối tượng, nội dung, hoạt động của các tiểu dự án, nội dung thành phần nên việc xây dựng, đề xuất kế hoạch thực hiện hàng năm và cả giai đoạn còn chưa sát thực tế, bảo đảm đúng đối tượng, phạm vi, nội dung thực hiện.
Tại Quảng Ninh, công tác giáo dục nghề nghiệp được xác định là một trong các nhiệm vụ, giải pháp được ưu tiên thực hiện hàng đầu theo tinh thần Nghị quyết 06 để phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 35 ngày 27/8/2021 về quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 1.850 người (trong đó có 420 người DTTS), tạo việc làm tăng thêm ước cả năm 2022 đạt 13.200 lao động, bằng 100% kế hoạch năm, đảm bảo cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2025, Hội nghị đề ra một số giải pháp, như: Xây dựng các mô hình đào tạo kết nối doanh nghiệp; thí điểm xây dựng mô hình bảo đảm chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đào tạo hoặc đào tạo lại cho người lao động; điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo yêu cầu về kỹ năng nghề trong tương lai; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập... nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo trên cả nước.