Năm nay, các hoạt động của “Xuân vùng cao” thu hút sự tham gia của hơn 100 đồng bào 15 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Ơ Đu, Khơ Mú, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer), 12 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Sóc Trăng) và điểm nhấn là các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày.
Chuỗi sự kiện “Xuân vùng cao” tái hiện lễ giải hạn đầu năm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên - một phong tục, tín ngưỡng dân gian độc đáo, cầu mong năm mới an lành, mọi việc hanh thông, thuận lợi; nghi thức “Lẩu Then” và khúc hát ngày Xuân - loại hình văn hoá, văn nghệ đặc sắc, là một phần tâm linh trong đời sống xã hội của nhiều dân tộc thiểu số.
Trong đó có thể kể đến chương trình “Điệu xòe ngày xuân” và giới thiệu trò chơi dân gian mùa Xuân của các dân tộc phía Bắc. Đồng bào dân tộc Thái vốn có kho tàng văn hoá dân gian rất phong phú, nổi bật là những điệu xòe duyên dáng làm say lòng người. Múa xòe thường diễn ra vào các dịp lễ Tết như mừng được mùa, mừng nhà mới, khi gieo hạt, du xuân… Chương trình cũng giới thiệu các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian như ném pao, đánh yến, nèm còn, đẩy gậy, đánh đu, nhảy sạp…
Đồng bào dân tộc Khơ Mú, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An Tết sẽ tái hiện Tết cổ truyền Gơ rơ tại Làng. Theo quan niệm từ xa xưa, rượu cần là thứ quan trọng để thể hiện sự phát đạt của gia chủ trong năm vừa qua. Vì vậy, ngày Tết, trong nhà đồng bào Khơ Mú thường có từ 5-7 bình rượu cần. Mỗi gia đình đều phải sắm đủ lễ gồm: 1 cặp gà (1 gà trống, 1 gà mái), một vò rượu cần, một đĩa cau trầu. Nếu thiếu một trong 3 thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày Tết Gơ rơ. Sau lễ cúng thì năm mới đã bắt đầu với từng nhà. Cũng giống như người Kinh, trong ngày đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng, mang đến những điều tốt đẹp, may mắn cho gia đình trong suốt cả năm.
Trong chương trình “Tết vùng cao”, đồng bào các dân tộc cùng nhau tập trung tại không gian làng dân tộc Khơ Mú, bằng lời ca tiếng hát, diễn xướng dân gian, hòa chung niềm vui, sự tin tưởng và quyết tâm đồng lòng chung niềm vui chung bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng.
Mỗi ngôi nhà của đồng bào các dân tộc đều chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết. Bên trong nhà có bày trí mâm ngũ quả, cành đào; treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày Tết của các dân tộc. Bên ngoài, đồng bào trang trí cổng, không gian xung quanh, lối đi vào và không gian tổ chức trò chơi dân gian. Đồng bào cũng giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống, thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc… theo các điểm nhấn truyền thống, thế mạnh của từng làng.
Bên cạnh đó, trong các dịp cuối tuần, tại Làng vẫn có các hoạt động của đồng bào các dân tộc như múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường; khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam... và Chương trình dân ca, dân vũ “Xuân Tây Nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại Làng.
Du khách còn có thể tham gia chương trình du lịch Homestay để trải nghiệm tại nhà Mường, nhà Tày và một số nhà dân tộc phong tục đón Tết truyền thống.
Các trò chơi dân gian truyền thống được đẩy mạnh giới thiệu cho du khách như trò ném pao, nhảy sạp, đi cà kheo, kéo co, bập bênh, đánh đu được liên tục sửa sang trang trí để thu hút khách; đồng bào cùng hướng dẫn du khách trải nghiệm để hòa cùng với không khí vui tươi ngày Xuân./.