Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện đối thoại cấp quốc gia và khu vực để Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9/2021. Mục đích của buổi Đối thoại là tạo điều kiện cho các bên liên quan chia sẻ, đóng góp ý kiến về thực trạng, phương hướng, giải pháp và sáng kiến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong hệ thống LTTP, góp phần xây dựng hệ thống LTTP bền vững và bao trùm cả ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phát biểu tại buổi Đối thoại, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục KTHT-PTNT cho biết ĐBSCL là một trong những vùng sản xuất, chế biến và cung ứng LTTP chiến lược của cả nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thiên tai, khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiếu gắn kết trong sản xuất, thương mại và kể cả quan hệ quốc tế trong quản lý khu vực. Quan hệ giữa các tác nhân trong hệ thống LTTP ở ĐBSCL phản ánh toàn diện bức tranh về quan hệ sản xuất, tiêu dùng và thương mại của cả nước. Củng cố và xây dựng mối quan hệ liên kết hợp tác minh bạch, hiệu quả giữa các tác nhân vừa là nền móng, vừa là trụ cột để xây dựng hệ thống LTTP bền vững trên mọi phương diện.
Tại buổi Đối thoại, các đại biểu đã được nghe và thảo luận về một số nội dung như: Tóm tắt kết quả các cuộc Đối thoại quốc gia, khu vực; giới thiệu khung lý thuyết về Hệ thống LTTP ở Việt Nam; Hệ thống LTTP minh bạch – trách nhiệm – bền vững và vai trò của các tác nhân liên quan; Mô hình hợp tác doanh nghiệp và nông dân trong phát triển mô hình lúa tôm hữu cơ – Bài học về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp hữu cơ từ thực tiễn tỉnh Cà Mau; Hợp tác xã – tác nhân khởi phát của hệ thống nông nghiệp thực phẩm ở Việt Nam; Tăng cường hệ thống LTTP toàn diện, bền vững và có khả năng phục hồi tại ĐBSCL…
Kết luận buổi Đối thoại, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục KTHT-PTNT khẳng định cuộc đối thoại là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau chia sẻ vai trò của mình trong Hệ thống LTTP khu vực ĐBSCL, cùng xem xét tác động của các bên và cùng nhau tìm ra những cách thức mới nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Để tăng cường hệ thống lương thực toàn diện, bền vững và có khả năng phục hồi tại ĐBSCL, ông Lê Đức Thịnh khuyến nghị các tác nhân trong hệ thống LTTP cần phân tích các thí điểm khác nhau và nhân rộng các giải pháp nhiều hứa hẹn; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và hợp tác công – tư; nâng cao danh tiếng và chất lượng của nông sản thông qua cập nhập các tiêu chuẩn/thực hành liên quan và thiết lập hệ thống quản lý và giám sát hiện đại…