Tà Lài là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Phú, nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc Mạ và Xtiêng. Những năm gần đây, diện mạo nơi đây khác hẳn với các công trình công cộng như trung tâm văn hóa, trường học… đã được xây dựng mới khang trang phục vụ cho nhu cầu của nhân dân trong xã.
Xây cầu, mở đường mới
Ông Nguyễn Văn Ngà (ngụ ấp 4, xã Tà Lài) cho biết, sau khi cầu treo Tà Lài bị sập vào giữa tháng 11/2016, huyện Tân Phú đã đầu tư xây dựng cầu Tà Lài mới bằng bê tông vĩnh cửu. Cầu được khởi công từ tháng 1/2018 với chiều dài hơn 174m, chiều rộng 8m, gồm 5 nhịp với 2 làn xe, có tải trọng 30 tấn. Cuối tháng 1/2019, UBND huyện chính thức khánh thành và thông xe cầu Tà Lài sau 1 năm thi công, đem lại niềm vui lớn cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở ấp 4.
Theo ông Ngà, đây là con đường duy nhất để người dân giao thương hàng hóa và đưa con em đến trường, thay thế cho những tháng ngày “qua sông phải lụy phà” như trước. Cầu Tà Lài xây dựng kiên cố, phá thế độc đạo bao năm qua giữa ấp 4 với các ấp khác còn lại trong xã, mở lối cho đồng bào DTTS trong xã phát triển kinh tế với bên ngoài. Chỉ khi có cầu, cuộc sống của bà con mới bớt khó khăn trong vấn đề đi lại.
Sau gần 3 năm thông xe, trên đường vào khu vực ấp 4, chúng tôi bắt gặp ô tô, xe máy hối hả chở hàng hóa, nông sản tấp nập ra vào xã, tỏa đi khắp vùng. Chạy dọc các con đường nông thôn mới đã được trải bê tông, những cánh đồng vàng óng đang vào vụ thu hoạch. Ngoài đồng, tiếng máy gặt lúa huyên náo một khu vực.
“Nhiều năm sinh sống ở vùng đất này, tôi đã chứng kiến được sự đổi thay của ấp khó khăn nhất huyện Tân Phú. Sự thay đổi được thể hiện rõ nét nhất ngay ở sự thay đổi trong cuộc sống của người dân, trong đó có gia đình tôi. Đường sá đi lại thuận lợi, con em được đến trường học hành đàng hoàng, thanh niên trưởng thành có thể đến khác địa phương khác để làm việc”.
Ông Nguyễn Văn NgàNgụ ấp 4, xã Tà Lài
Chỉ tay về phía máy gặt lúa đang chạy rầm rập trên đồng, chị K’Thị Lan cho hay, người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mạ, Xtiêng. Sau khi có cầu, giao thông thuận lợi, chị thuê thêm 2 sào ruộng trồng lúa để mở rộng sản xuất. Những ngày này, gia đình chị đang tất bật thu hoạch lúa vụ mùa Đông - Xuân để kịp đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Lúa gặt xong, xe ô tô chạy tới tận ruộng đưa về sân phơi mà không phải dựa vào sức người như trước.
“Bây giờ, xe cộ đi lại đông đúc, xe tải trọng lớn, ô tô khách cũng có thể đi lại hai bên mà không phải chờ đợi. Kinh tế dư dả, tôi có thể mua xe đạp điện cho con đến trường, đi học xa nhà cũng không lo”, chị Lan bộc bạch.
Đang phơi lúa trước sân nhà chị K’Thị Loan chia sẻ, huyện cũng xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn mới, đầu tư kênh mương thủy lợi tạo thuận lợi cho sản xuất của người dân trong vùng. Các con đường đất cũng dần thay thế bằng đường bê tông kiên cố, khang trang. Xe tải có thể chạy vào tận xóm thu mua lúa, nông sản, bán được giá hơn trước. Đi lại mua bán thuận lợi, các cháu đi học an toàn, ai nấy đều vui mừng.
“Trước đây, việc làm nông rất vất vả, hầu như phải gặt lúa bằng tay. Diện tích ruộng lúa lớn muốn thuê máy gặt cũng khó vì đường đi khó khăn. Nhưng mấy năm nay có cầu, có đường, máy móc các loại vào đến tận nơi. Ngoài ra, so với khi vận chuyển nông sản bằng phà vừa nguy hiểm và tốn kém, thì khi có cầu kiên cố xe ô tô chạy một mạch là tới”, chị Loan nói.
Chăm lo cho cuộc sống của người dân
Trước đây khu vực ấp 4 của xã gặp nhiều thiệt thòi khi chịu sự cách trở của sông nước. Chuyện làm ăn của người dân hoàn toàn bị động, phụ thuộc vào các chuyến phà ngang. Những chuyến xe chở nông sản của bà con ấp 4 thường bị thương lái trả giá thấp so với những nơi khác. Các mặt hàng phục vụ đời sống hằng ngày như: Gạo, xăng, dầu, vật liệu xây dựng... cũng phải mua với giá cao hơn. Điều này, khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, đời sống của người dân đã có bước thay đổi rõ nét. Những căn nhà sàn, nhà tre nứa đơn sơ, ọp ẹp dần được thay thế bởi những căn nhà mới xây khang trang, kiên cố. Những công trình công cộng như: Trung tâm văn hóa, trường học… đã được xây dựng mới, phục vụ cho nhu cầu của nhân dân trong xã.
Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tân Phú Võ Trí cho hay, nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân chung tay hiến đất, góp tiền làm đường, nên hệ thống đường giao thông ở huyện được đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh. Huyện quản lý gần 105km đường, trong đó 100% số xã có đường nhựa về đến trung tâm xã.
Cùng với cầu Đắc Lua, sau khi cầu Tà Lài đưa vào sử dụng những năm qua đã chấm dứt cảnh người dân hai xã đi lại phải lụy phà. Đây là điểm nhấn quan trọng để bà con đồng bào DTTS vận chuyển nông sản, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bằng nhiều hình thức, giải pháp, lãnh đạo các cấp luôn tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất, chăn nuôi và luôn hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và hiệu quả.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho biết, thời gian qua, huyện xác định tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng; đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế huyện. Ngoài những trục đường chính đầu tư bằng vốn ngân sách, những tuyến đường giao thông nông thôn đều có đóng góp rất lớn qua việc người dân hiến đất, góp tiền làm đường mới đạt được những kết quả như ngày nay.
Là xã khó khăn của huyện Tân Phú, những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, đặc biệt là cây cầu Tà Lài hoàn thành, đã tạo được sức bật mạnh mẽ cho xã vùng sâu này. Đời sống người dân ổn định nâng cao hơn từng bước không bám rừng như trước, công tác bảo vệ rừng hiệu quả hơn.
“Các mặt đời sống từ văn hóa, xã hội đến kinh tế của người dân được cải thiện mỗi ngày, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã giúp người dân nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống theo đó cũng được quan tâm, cải thiện…”, ông Ký nói./.