Chúng tôi đến Sài Khao - một địa danh đặc biệt được nhắc đến trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi - Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của miền biên viễn đã đi vào thơ ca giờ đây vẫn còn nguyên vẹn.
Sài Khao là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông. Cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Từ sự cần cù và khéo léo của mình, đồng bào đã biết cách biến những khó khăn ấy thành động lực, thành những sản phẩm đầy sáng tạo và độc đáo. Một trong những thành quả ấy chính là bức tường thành bằng đá khiến cho những ai đặt chân tới nơi đây đều phải cảm phục.
Bức tường bằng đá dài hàng trăm mét, được những người Mông nơi đây dựng lên để bảo vệ ruộng nương, bảo vệ ngôi nhà của họ khỏi gia súc quấy phá. Họ mất nhiều công sức để đập đá từ trong núi, vận chuyển về để xếp thành từng khối khít vào nhau không cần chất kết dính nhưng vô cùng chắc chắn. Từ những khối đá to, nhỏ, kích thước, hình dáng khác nhau được xếp chồng lên nhau thẳng tắp, rất vuông vắn và được xếp có chiều cao gần 2m, rộng khoảng 50 - 80cm.
Đa số, các ngôi nhà người Mông đều có bức tường đá bao quanh. Đến thăm bức tường rào đá của anh Vàng A Vừ, ở Sài Khao, ai nấy đều kinh ngạc và ngưỡng mộ bàn tay khéo léo của anh. Anh Vừ cho biết, toàn bộ số đá làm hàng rào này được lấy từ chân núi, viên đá to thì dùng búa, xà beng đập nhỏ rồi dùng xe chở về, sau đó cả nhà lắp ghép lại với nhau. Gia đình anh huy động 6 nhân công làm trong vòng một tháng thì hoàn thành công trình.
Gần đó là ngôi nhà của anh Vàng A Tháu. Để bảo vệ nương lúa, gia đình anh Tháu đã xây dựng một hàng rào đá dài gần 3km bao quanh. Cả gia đình anh lên núi chở đá về làm mất gần ba tháng trời mới xong công trình này.
Ông Lê Duy Hải, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, huyện Mường Lát cho biết, mô hình hàng rào đá của nhiều hộ gia đình người Mông ở Sài Khao giờ đây không chỉ có tác dụng bảo vệ đời sống, sản xuất của bà con, mà nó còn mang vẻ đẹp độc đáo gắn với văn hoá của người Mông.