Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã báo cáo với Đoàn công tác về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; kết quả 5 năm thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI.
Theo đó, năm 2020, tỉnh Lai Châu cùng với cả nước thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Lai Châu tập trung lãnh, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV theo đúng tiến độ đề ra; tổ chức hiệu quả công tác phòng, chống dịch, không để dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt cao. Toàn tỉnh có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16,49%.
Năm 2021, Lai Châu tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt ngay từ những ngày, tháng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021- 2026; sớm ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án thực hiện nghị quyết Đại hội. Tỉnh xác định 5 nhóm nhiệm vụ với 11 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và kế hoạch Trung ương giao.
Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, Ban Chỉ đạo về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp đã hoạt động tích cực, nghiêm túc, đạt kết quả tốt trong công tác nâng cao hiệu quả việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Phương thức lãnh đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền Lai Châu chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo; mở rộng, phát huy dân chủ trong công tác lãnh, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là trong tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết chuyên đề, đề án, công tác cán bộ…; phát huy dân chủ trong tổ chức kỳ họp, tăng cường tính tranh luận, phản biện; tổ chức giám sát, tiếp xúc cử tri, nâng cao chất lượng các kỳ họp.
Thông qua Đoàn công tác, tỉnh Lai Châu đề nghị Trung ương xem xét nâng mức hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; sớm ban hành cơ chế, chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng để thu hút doanh nghiệp và người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; xem xét ban hành Luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm thống nhất và đồng bộ trong thực hiện; đưa tiêu chí về thực hiện quy chế dân chủ vào hệ thống tiêu chí xét thi đua khen thưởng hàng năm…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đề nghị tỉnh Lai Châu chia sẻ những kinh nghiệm trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tỉnh giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân đồng thuận với các chủ trương chính sách của tỉnh; phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu… Ngoài ra, đề nghị tỉnh Lai Châu nêu rõ những vấn đề đang được nhân dân quan tâm hiện nay; những hạn chế khó khăn trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã chia sẻ với Lai Châu những khó khăn về địa hình, giao thông, trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc... Đồng chí yêu cầu, thời gian tới, Lai Châu tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện quy chế dân chủ, duy trì thực hiện cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lai Châu và các tổ chức chính trị phải làm nòng cốt trong thực hiện quy chế dân chủ; cấp ủy Đảng, người đứng đầu phải làm gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội.
Trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Người dân được tham gia, đóng góp cho hệ thống chính trị để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Các hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm minh. Lai Châu cần nỗ lực để thu hẹp khoảng cách mức sống, thu nhập với các tỉnh miền xuôi và giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn đến năm 2025. Đối với một số ý kiến kiến nghị của tỉnh Lai Châu, Đoàn công tác ghi nhận và sẽ chuyển tới các bộ, ban, ngành liên quan xem xét, giải quyết./.