Nông thôn "thay áo" mới
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn huyện Định Hóa đã và đang làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, miền núi ở vùng đất ATK.
Như ở xã Sơn Phú, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Sơn Phú đã có nhiều đổi thay. Năm 2020, Sơn Phú được công nhận đạt chuẩn NTM. Sau đó, xã được huyện Định Hóa chọn là 1 trong 3 xã điểm để xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh Thái Nguyên, huyện Định Hoá, UBND xã Sơn Phú đã đồng hành cùng Nhân dân trong xây dựng NTM.
Có dịp về xóm Sơn Thắng, xã Sơn Phú mới thấy hiệu quả rõ nét từ NTM mang lại. Với định hướng phát triển kinh tế từ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhiều năm nay, chè đã trở thành cây trồng chủ lực ở Sơn Thắng với tổng diện tích 25 ha. Toàn xóm có 70 hộ thì cả 70 hộ đều trồng chè, thoát nghèo và giàu lên từ cây chè. Ngoài ra, Sơn Thắng còn có diện tích ươm các loại giống cây, với khoảng 10 ha quế, hồi, mỡ. Nhờ đó, xóm chỉ còn 4 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm. Điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu là gia đình anh Đặng Văn Ngọc với mô hình vườn ươm giống cây, mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Trưởng xóm Sơn Thắng, ông Vũ Văn Đắc cho biết: “Nhờ thu nhập ổn định nên bà con có điều kiện đóng góp xây dựng NTM. Ngoài những khoản đối ứng xây dựng các công trình, nhiều hộ còn sẵn sàng hiến đất và đóng góp ngày công lao động để xây dựng các thiết chế văn hóa…”.
Không chỉ ở Sơn Thắng, từ hàng chục năm nay, chè đã trở thành cây kinh tế chủ lực của xã Sơn Phú, giúp người dân giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Toàn xã hiện có trên 323ha chè, là địa phương có diện tích chè lớn nhất huyện Định Hóa. Trong tổng số trên 1.400 hộ dân thì gần 80% có thu nhập từ cây chè.
“Với Chương trình xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng ở Sơn Phú được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,91% (năm 2022). Đây chính là tiền đề, là cơ sở để xã tiếp tục xây dựng NTM nâng cao", ông Âu Văn Được - Chủ tịch UBND xã Sơn Phú chia sẻ
Giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Định Hóa cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn huyện có 11/22 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 - 4%/năm,. Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp; an ninh quốc phòng được bảo đảm; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới theo hướng văn minh, tiến bộ. Mục tiêu cụ thể đến năm 2023, xây dựng 11 xã còn lại đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn chợ Chu đạt chuẩn đô thị văn minh, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM.
Hướng đến mục tiêu huyện NTM trong năm 2023
Thực hiện Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM vào năm 2023, trong năm 2022 huyện Định Hóa có thêm 5 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, đó là: Phú Tiến, Điềm Mặc, Bình Yên, Tân Dương và Định Biên.
Trong năm 2023, đối với 6 xã đăng ký đạt chuẩn NTM là Tân Thịnh, Quy Kỳ, Bình Thành, Linh Thông, Bảo Linh; 3 xã nâng cao xã Sơn Phú, Phú Đình, Kim Phượng. UBND huyện đã tổ chức làm việc cụ thể với từng xã để rà soát, có kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung công việc theo phân kỳ năm 2022, nỗ lực mỗi xã hoàn thành thêm 3 - 4 tiêu chí, quan tâm thực hiện các tiêu chí khó để năm 2023 hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM theo kế hoạch
Trên hành trình xây dựng Định Hóa sớm trở thành huyện NTM, ông Nguyễn Minh Tú - Chủ tịch UBND huyện Định Hóa chia sẻ: Toàn huyện có 22 xã, năm 2022 có thêm 5 xã là Phú Tiến, Định Biên, Bình Yên, Điềm Mặc và Tân Dương được công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay có tổng số 16 xã đạt chuẩn NTM, đúng tiến độ đề ra. Năm 2023, huyện phấn đấu 6 xã còn lại đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt NTM nâng cao, thị trấn Chợ Chu đạt chuẩn đô thị văn minh; hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và hỗ trợ nâng cao các tiêu chí đối với 8 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM trước năm 2022.
Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM vào năm 2023, nâng cao kiến thức về giáo dục giới tính và phòng, chống xâm hại đối với trẻ vị thành niên dự kiến nhu cầu về nguồn vốn đầu tư là khoảng 1.940 tỷ đồng, đến nay đã xác định được 1.377 tỷ đồng, đạt hơn 70% nhu cầu vốn. Trong đó, với nguồn vốn ngân sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ của tỉnh Thái Nguyên, huyện Định Hóa đã phân bổ 697/866 tỷ đồng (đạt 80%). Nguồn vốn từ các bộ, ngành Trung ương và các đơn vị tài trợ đạt 303,5/697,5 tỷ đồng, đạt hơn 43% theo cam kết.
Theo lãnh đạo huyện Định Hóa: Thực hiện Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM vào năm 2023, UBND huyện đã chủ động giao vốn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành cơ bản các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, một số công trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công ngoài hiện trường.
Báo cáo của UBND huyện Định Hóa cho biết: Theo tiến độ thực hiện Biên bản ghi nhớ số 111 của Văn phòng Quốc hội, Tập đoàn Sungroup tài trợ công trình nhà khám chữa bệnh và trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa, đến nay, công trình đã hoàn thành các khối lượng trên hiện trường. Tập đoàn Sungroup đang đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình trước khi bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Đối với nguồn vốn tài trợ của Công ty Cổ phần Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup hỗ trợ huyện 48 tỷ đồng để xóa 800 căn nhà dột nát trên địa bàn, trong tháng 4 huyện đã giải ngân 100% theo quy định. Một số công trình xây dựng trường, lớp học từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, trong tháng 4/2023, HĐND huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình.
Ngay trong tháng 4, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn. Theo đó, huyện Định Hóa được cấp bổ sung 61,304 tỷ đồng. Đến ngày 24/4/2023, đã thực hiện giải ngân 51,4/358,9 tỷ đồng (đạt 14,3% KH).
Bên cạnh những mặt thuận lợi, để Định Hóa trở thành huyện NTM trong năm 2023, nhu cầu vốn đầu tư lớn, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thực hiện tài trợ, hỗ trợ của một số bộ, ngành, doanh nghiệp còn chậm, chưa đúng tiến độ cam kết. Mặt khác, việc xây dựng NTM phải huy động sự đóng góp, đối ứng khá lớn của Nhân dân, trong khi tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao nên việc thực hiện một số tiêu chí đang là thách thức lớn đối với Định Hóa.
Mới đây, tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo tỉnh về xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM năm 2023, lãnh đạo huyện Định Hóa đã đề xuất, kiến nghị 10 nội dung cụ thể nhằm hoàn thành toàn diện các tiêu chí NTM theo mục tiêu của Đề án. Lãnh đạo các sở, ngành, đồng thời là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã làm rõ những kết quả đạt được, đưa ra lộ trình và giải pháp hỗ trợ huyện hoàn thành các tiêu chí còn lại từ nay đến cuối năm.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Minh Tú - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: “Để đạt chuẩn NTM trong năm 2023, huyện sẽ phát huy hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, nguồn lực từ các đơn vị tài trợ và nội lực của địa phương để bứt phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, đổi mới tư duy của người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững. Trong đó, huyện sẽ đặc biệt quan tâm tới xây dựng các sản phẩm đặc trưng; sản phẩm OCOP; hỗ trợ kinh tế tập thể; tập trung cho xây dựng cụm công nghiệp Tân Dương... Với những giải pháp đồng bộ, Định Hóa quyết tâm đạt chuẩn NTM theo đúng kế hoạch đề ra”.
“Xây dựng Định Hóa trở thành huyện NTM trong năm 2023 cần được đặc biệt ưu tiên”, đó là chỉ đạo mới đây của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - ông Trịnh Việt Hùng. Ông Trịnh VIệt Hùng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần thống nhất nhận thức, hành động, coi xây dựng NTM và hai chương trình mục tiêu quốc gia còn lại là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh, của các cơ quan, đơn vị liên quan.
“Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết các kiến nghị của huyện Định Hoá với lộ trình, sản phẩm và thời gian hoàn thành cụ thể để ATK năm xưa, Định Hóa ngày nay hoàn thành mục tiêu lớn, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn”, ông Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng yêu cầu khẩn trương phân bổ, triển khai giải ngân các nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn hỗ trợ từ các bộ, ngành, doanh nghiệp; bảo đảm việc sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác tối đa, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng NTM. Huy động nguồn đóng góp của người dân bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động, huy động các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đóng góp trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch. Cùng với đó, huyện Định Hoá cần xây dựng kế hoạch, phát động phong trào và triển khai ngay các tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; bảo đảm an ninh trật tự, quốc phòng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn…
Hy vọng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đơn vị liên quan và sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, mục tiêu đạt chuẩn NTM của huyện Định Hóa vào năm 2023 sẽ hoàn thành, bảo đảm hiệu quả, chất lượng.