Theo kế hoạch số 80/KH-UBND TP. Cần Thơ về việc thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn TP. Cần Thơ năm 2023, mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới di vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Về mục tiêu cụ thể trong năm 2023, TP. Cần Thơ hướng tới tiêu chuẩn hóa 92 sản phẩm dịch vụ hiện có; phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, bao gồm các doanh nghiệp (DN) và Hợp tác xã (HTX); Triển khai phát triển 1 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương; phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP 3 sao, 10 sản phẩm 4 sao và phấn đấu có 2 sàn phẩm 5 sao.
Triển khai nội dung Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 cho 100% cán bộ quản lý nhà nước các cấp và các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, đào tạo 100% cán bộ quản nhà nước (cấp thành phố và quận, huyện) tham gia Chương trình OCOP; 100% lãnh đạo DN, HTX, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh.
Về nguồn vốn, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được UBND Thành phố giao cho các địa phương. Vốn ngân sách thành phố (lồng ghép vào các đề án, chương trình, kế hoạch của các sở, ngành, địa phương). Vốn xã hội hóa (các DN, HTX, các loại hình kinh tế khác, cộng đồng dân cư...). Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn huy động hợp pháp khác. Cụ thể kinh phí thực hiện năm 2023 của TP. Cần Thơ: Tổng kinh phí thực hiện Chương trình OCOP năm 2023 dự kiến là 3,6 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách là 1,9 tỷ đồng, chiếm 52,7%; vốn huy động xã hội hóa là 1,7 tỷ đồng, chiếm 47,3%.
Ông Nguyễn Minh Đức - đại diện Khách sạn Miền Tây - Cần Thơ, chỉ ra 5 điểm cần tập chung để phát triển sản phẩm OCOP: Về hình ảnh, sự tiện lợi, giá cả phù hợp, tính đặc biệt, niềm tin của khách hàng. Đại diện DN cũng mong muốn được kết nối và tiêu thụ các sản tại khách sạn của mình.
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thanh Quý - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phát triển Thịnh vượng Việt Nam, chia sẻ các kinh nghiệm làm bao bì sản phẩm, truyền thông sản phẩm tại các địa phương; phương hướng hợp tác tư vấn các dịch vụ gia tăng cho DN, HTX nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thương hiệu quà tặng với đối tác địa phương; câu chuyện sản phẩm và lan tỏa với cộng đồng; xúc tiến thương mại nội địa và quốc tế..
Thông qua Diễn đàn, các DN, HTX đã có cơ hội được tiếp cận trao đổi các kinh nghiệm, giải pháp để phát triển sản phẩm nông nghiệp của mình; đồng thời tiếp cận và hiểu rõ hơn về các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực từ các chính sách hiện hành của Trung ương, của Thành phố về hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; các chính sách ưu tiên huy động nguồn lực về vốn, đất đai, lao động, nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ của chủ thể OCOP...
Kết quả thực hiện năm 2022, TP. Cần Thơ công nhận 58 sản phẩm OCOP, gồm: 33 sản phẩm 4 sao, 18 sản phẩm 3 sao. So với kế hoạch vượt 31 sản phẩm (đạt 255% so với kế hoạch 2022).
Về đối tượng chủ thể OCOP: Có 46 chủ thể, gồm 4 DN với 17 sản phẩm; 11 HTX với 11 sản phẩm; 12 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh với 23 sản phẩm.
Lũy kế đến cuối năm 2022, Thành phố đã có 92 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Năm 2022 có 8/9 quận, huyện có sản phẩm OCOP. Tính đến tháng 12/2022, toàn Thành phố đã có 9/9 quận huyện tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP.