Gắn kết giữa nông nghiệp và du lịch
Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp, thể hiện rất rõ đã có hàng chục sản phẩm nằm trong Top đầu xuất khẩu thế giới. Trong 11 tháng năm 2022, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với ngành nông nghiệp thì hiện nay, du lịch cũng đang là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, đứng thứ 25 trên thế giới về tài nguyên du lịch và đứng thứ 75 thế giới tiềm năng khách du lịch. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng của năm 2022 ước đạt 536.300 tỷ đồng, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phát triển của hai ngành kinh tế mũi nhọn này càng có thêm nhiều dư địa khi cả hai gắn kết, bổ sung lẫn nhau để tăng trưởng. Trên thực tế, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các hoạt động văn hóa - du lịch. Thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hóa hay chương trình kích cầu du lịch, đã thu hút rất nhiều khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến trải nghiệm trực tiếp sản phẩm.
Tại Tọa đàm “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi qua phát triển văn hóa - du lịch” được tổ chức chiều 1/12 tại Hà Nội, ông Lộc Kim Liễn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho hay, Tuyên Quang là tỉnh miền núi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa rất lớn. Những năm gần đây, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - du lịch mang tầm khu vực, nhất là Lễ hội Thành Tuyên tổ chức hàng năm đã thu hút nhiều khách đến tham quan. Đây cũng là dịp để Tuyên Quang quảng bá, tiêu thụ nông sản đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
“Tiêu thụ nông sản thông qua hoạt động văn hóa - du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích và giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh có thể bán, cũng như giới thiệu được sản phẩm đến với thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm hiện nay, đang có những chỉ dẫn địa lý như cam sành, bưởi hay chè Shan tuyết của tỉnh được khách hàng ưa chuộng và tin dùng”, ông Liễn cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng, hai ngành nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thời gian gần đây đang có sự gắn kết khá rõ rệt.
“Nếu như trước đây chỉ có du lịch kết hợp với nông nghiệp phổ biến ở những vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì hiện ở Tây Bắc hoặc ở miền Trung cũng dần xuất hiện những hình thức đi du lịch ở những nông trường, trang trại, những nơi có những sản phẩm đặc sản, thậm chí những Homestay có thể ăn ở cùng với chủ nhà và tham gia những sinh hoạt sản xuất, thu hái…”, ông Phong chia sẻ.
Thúc đẩy thương mại điện tử
Cùng với quáng bá nông sản qua các hoạt động văn hóa - du lịch, thì thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đưa các sản phẩm hàng Việt lên các sàn TMĐT để phát triển thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tại buổi Tọa đàm “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi qua TMĐT” được tổ chức ngày 23/11/2022, ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho rằng TMĐT đã trở thành cầu nối giúp bà con nông dân có thể phát triển nhanh trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, TMĐT mới chỉ thực sự phát triển ở các thành phố lớn, nơi có quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.
“Điều đó dẫn đến là hầu hết các hoạt động TMĐT chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn; và đây là một trong những trở ngại, thách thức nếu muốn đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi số, cũng như phát triển TMĐT ở các vùng sâu vùng xa”, ông Minh cho hay.
Còn theo ông Phạm Công Toản - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ được 40 hợp tác xã và doanh nghiệp mở gian hàng tiêu thụ hàng Việt trên sàn TMĐT. Cùng đó, tổ chức hướng dẫn bà con ngay tại vườn cách làm hình ảnh, tiếp nhận đơn hàng chốt đơn hàng, cách đóng gói, quy trình vận chuyển hàng đến tay với người tiêu dùng và nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các sàn TMĐT trong quá trình thực hiện.
“Hiện Bắc Giang đã có 54 sản phẩm chủ lực đặc trưng và tiềm năng, 180 sản phẩm OCOP. Mỗi sản phẩm cũng đã tạo được thương hiệu riêng và chiếm được một số tiêu chí về chất lượng trong niềm tin của khách hàng. Điều này cũng đặt ra bài toán tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân cho các đồng bào DTTS, các địa phương đặc biệt là những sản phẩm mang tính chất mùa vụ cao và sản lượng lớn”, ông Toản cho biết.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, trong việc tiêu thụ nông sản cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, hiện các địa phương vẫn đi theo hình thức “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự liên kết.
Chính bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, để tiêu thụ nông sản cho vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng bền vững, tăng giá trị, thì đã đến lúc Chính phủ cần có những chỉ đạo để các cơ quan hữu quan thống nhất cách làm và có những bản ký kết mang tính chất liên ngành để tăng cường hỗ trợ tiêu thụ và nâng cao hiệu quả sản phẩm vùng miền. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý có liên quan tới hoạt động này, nhằm tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau; mở rộng hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống mạng; quảng bá về sản phẩm, các danh mục cho đối tượng khách hàng tiềm năng.