Tại buổi giao lưu trực tuyến trong thời gian 60 phút, học sinh Trường PT DTNT tỉnh Bình Thuận đã giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa Chăm qua các tiết mục tái hiện lại Lễ hội Katê, một lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc Chăm ở Bình Thuận.
Ở phần lễ, bằng hình thức sân khấu hóa, các em học sinh Trường PT DTNT tỉnh Bình Thuận đã tái hiện được khoảnh khắc thiêng liêng khi đồng bào Chăm tổ chức các nghi lễ linh thiêng trên đền tháp, thể hiện lòng tôn kính với các vị thần linh như thần Siva, nữ thần Po Nagar và tổ tiên người Chăm. Các em giới thiệu thêm một số nghi thức tiêu biểu như: rước y trang nữ thần, lễ mở cửa tháp và lễ dâng lễ vật. Đồng thời diễn giải cho các bạn ở Trường Vinschool hiểu được ý nghĩa của những nghi thức này là sự kết nối tâm linh, truyền tải giá trị truyền thống về cội nguồn dân tộc.
Sau các trích đoạn phần lễ là giới thiệu phần hội, các em biểu diễn các điệu múa mang sắc màu văn hóa Chăm như múa quạt, múa đội nước hòa cùng âm thanh đặc trưng của trống ghi-năng, đàn kanhi, những trò chơi dân gian... Các em tham gia diễn xuất hồn nhiên và sôi nổi, lôi cuốn, thuyết phục.
Phần giới thiệu trang phục truyền thống trong Lễ hội Katê được thiết kế với màu sắc rực rỡ nhằm tôn vinh văn hóa và tín ngưỡng của người Chăm để học sinh Trường Vinschool được trải nghiệm, chiêm ngưỡng, từ đó hiểu thêm về văn hóa dân tộc Chăm. Đó là trang phục áo dài trắng cùng khăn đội đầu truyền thống của nam giới, biểu trưng cho sự trang nghiêm và thanh khiết. Nữ giới nổi bật với chiếc áo dài, váy thổ cẩm, được thêu dệt thủ công bằng những hoa văn tinh xảo. Đặc biệt, chiếc khăn quấn đội đầu không chỉ là phụ kiện mà còn là biểu tượng cho sự duyên dáng và phẩm chất cao quý của người phụ nữ Chăm.
Phần giới thiệu nhạc cụ trong Lễ hội Katê, các em đã biểu diễn những nhạc cụ truyền thống đặc trưng của dân tộc Chăm như: trống ghi năng, kèn saranai, trống paranưng… Trong mỗi tiết mục biểu diễn, các em đều thuyết minh từng đặc điểm và tác dụng của mỗi loại nhạc cụ.
Trong buổi giao lưu, còn có nghệ nhân làm gốm Chăm là Lương Thị Hoà đến từ làng gốm Đức Bình, huyện Bắc Bình. Trong 60 phút giao lưu, nghệ nhân Lương Thị Hòa đã làm xong một sản phẩm gốm bằng đất (chưa nung). Sau đó giới thiệu từ công đoạn lấy nguyên liệu đến nhào đất, nặn gốm, cách nung gốm, các sản phẩm gốm Chăm Bình Đức hiện nay…
Sau phần giới thiệu lễ hội và văn hóa Chăm, học sinh hai trường đã giao lưu trao đổi hỏi đáp trực tiếp để hiểu thêm về một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc Chăm…
Buổi giao lưu văn hóa đã giúp các em Trường Vinschool Times Hà Nội có được tìm hiểu, trải nghiệm về văn hóa, bản sắc của dân tộc Chăm. Đồng thời cũng giúp các em học sinh dân tộc Chăm ở Trường PTDTNT tỉnh Bình Thuận giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc mình. Từ đó có ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông.