Góp phần nâng cao dân trí, nhận thức và hành động của người dân
Vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Nghệ An chiếm 83% diện tích tự nhiên, trong đó đồng bào DTTS có 491.267 người, gồm 47 DTTS, trong đó có 5 DTTS chiếm tỷ lệ cao là: Dân tộc Thái, Thổ, Khơ mú, Mông, Ơ Đu. Toàn vùng có 27 xã biên giới với 24 xã có liên quan đến việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào DTTS&MN, nên việc phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS càng có ý nghĩa quan trọng.
Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh. Hoạt động này, được tổ chức bằng nhiều hình thức như, tổ chức những chuyên đề, hội nghị riêng rẽ; tổ chức lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt ở các thôn bản, với phương châm “mưa dầm thấm lâu” đang được các cấp ngành, chính quyền địa phương ở Nghệ An thực hiện, góp phần nâng cao dân trí, nhận thức, suy nghĩ và hành động của người dân vùng DTTS&MN về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Kể từ khi triển khai Nội dung 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10 của Chương trình MTQG 1719, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS càng được đẩy mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Chính sách, Ban Dân tộc Nghệ An, chia sẻ: Thực hiện Nội dung này, cán bộ, nhân viên của phòng là những tuyên truyền viên tích cực trong việc góp phần đưa pháp luật về tận các bản làng, nhất là các bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhờ hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh mà nhận thức, hiểu biết của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Những năm qua, các chuyên đề, nội dung của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS được thực hiện như: Luật Phòng chống ma túy, Luật Lâm nghiệp, Luật Dân chủ cơ sở, quyền tiếp cận thông tin, Luật Biên giới, Luật Mua bán người, di dịch cư…
Nói về ý nghĩa của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đông bào DTTS, ông Vừ Xia Vả, dân tộc Mông, Trưởng Ban công tác mặt trận, Người có uy tín bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương cho biết: Bà con trong bản thực hiện rất tốt Luật lâm nghiệp, đã đưa diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ lên hơn 459ha. Công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được chi ủy, ban quản lý và Nhân dân trong bản thực hiện tốt.
Hàng tháng trong các cuộc họp của thôn bản, nội dung quản lý, bảo vệ rừng đều được quán triệt. Trong hương ước, quy ước của bản đã quy định rõ trách nhiệm của Nhân dân trong bản về quản lý, bảo về rừng, không được chặt phá, buôn bán gỗ từ rừng tự nhiên. Nhờ đó, những năm gần đây, bản Lưu Thông không có hiện tượng phát nương làm rẫy trong rừng tự nhiên, không vi phạm lâm luật, không có hiện tượng chặt gỗ rừng tự nhiên để bán ra bên ngoài cũng như đưa về làm nhà ở.
Thực tế cho thấy, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS đang mang lại những hiệu quả rõ nét, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An.
Đánh giá về điều này, Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe khẳng định: Nội dung tuyên truyền sát với thực tế, hình thức phổ biến gần gũi với người dân, góp phần huyện đã thực hiện đạt mục tiêu giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật tại các địa bàn có đồng bào DTTS, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo nhu cầu
Để hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao nhất; là cơ quan tham mưu, Ban Dân tộc Nghệ An đã có văn bản gửi các địa phương để khảo sát nhu cầu theo từng năm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Chính sách, Ban Dân tộc Nghệ An cho hay: Việc khảo sát nhu cầu, hay nói cách khác là tuyên truyền theo nhu cầu của mỗi địa phương thì nội dung được tuyên truyền, phổ biến sẽ sát thực tế hơn, sát nhu cầu từng đối tượng hơn và hiệu quả sẽ đạt cao hơn.
Theo ông Hùng, khi đã có kết quả khảo sát nhu cầu, đầu năm, Ban Dân tộc Nghệ An đã lên kế hoạch cụ thể cho việc tuyên truyền; đồng thời, có văn bản “mời” các chuyên gia đứng lớp theo từng chuyên đề cụ thể.
Ông Hùng lấy ví dụ: Chẳng hạn, với luật Lâm nghiệp thì cán bộ Kiểm lâm đứng lớp; Luật Phòng chống ma túy thì mời ngành cán bộ Công an đứng lớp, hay tuyên truyền về quyền tiếp cận thông tin, thì mời cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông đứng lớp…
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS được thực hiện đa dạng, linh hoạt tùy theo tình hình thực tế. Nhiều buổi phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức tập trung tại trung tâm huyện; nhưng cũng có nhiều cuộc đã được đưa về trung tâm xã, hay nhà văn hóa các thôn, bản.
Đáng chú ý, nhiều cuộc tuyên truyền, vận động, các thành viên đã sử dụng hình thức “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tiếp cận tuyên truyền trực tiếp cho đồng bào. Việc tuyên truyền còn được thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh, với thời lượng 60 phút/ngày, với các file âm bằng tiếng Thái và tiếng Mông cho bà con thôn bản.
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Do đó, công tác này mang tính thường xuyên, liên tục đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, các ngành nhằm làm tăng tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản pháp luật và nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho Nhân dân, từ đó tạo cho họ có ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật.
Đối với một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, đông đồng bào DTTS sinh sống, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật càng có vai trò đặc biệt quan trọng.