Hai cây cầu Hiền Lương, cả hiện tại và năm xưa với hai màu vàng xanh, không hề chạy song song. Nếu đứng ở chân kỳ đài bờ Bắc, thì rõ ràng là hai chân cầu như chụm lại. Người dân Vĩnh Linh, vẫn luôn tự hào mà lý giải rằng: hai cây cầu như tạo thành một chữ V lớn, là biểu tượng của chiến thắng (Victory), là của chữ cái đầu trong Việt Nam thống nhất.
Tại nơi hai cây cầu này gặp nhau, vào những thời khắc lịch sử ngày 30/4 hằng năm, có một nghi thức rất đỗi thiêng liêng, hào hùng, trang trọng, mang bao xúc cảm. Ấy là nghi thức thượng cờ “Thống nhất non sông” và thả chim bồ câu biểu tượng của khát vọng hòa bình.
Tự bao giờ, dòng sông và hai cây cầu lịch sử này đã in hằn trong tâm khảm biết bao người. Chẳng thế mà, mỗi năm, đã có hàng triệu lượt khách tham quan về đây, cùng lắng lòng, bồi hồi, suy tưởng về những năm tháng vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước, về “vành đai trắng” mà đạn bom vùi dập… để thấm hơn thêm giá trị hòa bình.
Trong rất nhiều những du khách về với Quảng Trị, thăm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải… có không ít là người Mỹ, cũng có nhiều người từng là cựu binh tham chiến năm xưa. Và những chuyến ghé thăm đã bắc cầu tình hữu nghị để cho màu xanh của sự sống, màu xanh của hòa bình nảy nở trên “đất lửa”. Những hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, trồng cây xanh… sau đó, càng thêm gắn kết, hòa hợp giữa hai dân tộc, hai đất nước.
Dẫu đã gần 5 năm trôi qua, nhưng lãnh đạo vùng “đất lửa” Quảng Trị vẫn nhớ mãi khoảnh khắc hữu nghị, hòa bình ngay chính giữa dòng Hiền Lương. Đó là một buổi chiều cuối tháng 8/2019. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và đến thăm di tích lịch sử cầu Hiền Lương bên dòng Bến Hải. Ngài Đại sứ đã cùng Đoàn sứ quán Mỹ đi bộ từ phía Bắc qua phía Nam cầu, rồi dừng khá lâu để bắt tay nói chuyện cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam. Cái bắt tay giữa hai bên từng là kẻ thù của nhau trên cây cầu, tại điểm từng giao tranh ác liệt… chính là biểu hiện sống động nhất cho những nỗ lực hòa giải, cho những hoạt động hữu nghị, hòa bình, hợp tác cùng phát triển.
Trong những nỗ lực xây dựng, vun đắp hòa bình, từ năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng “Ước nguyện hòa bình”. Hòa bình, có lẽ không còn là đích đến của những cuộc xung đột và chiến tranh; mà hơn hết, còn là lẽ sống, khát khao của biết bao con người trên trái đất này. Và trên vùng đất từng là “túi bom, rốn đạn”, Quảng Trị thấm hơn ai hết cái giá của hòa bình.
Vào tháng 7 năm 2024 tới đây, ở Quảng Trị sẽ có một Lễ hội Vì hòa bình được tổ chức lần đầu tiên với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (21/7/1954 - 21/7/2024).
Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức trên vùng đất đã từng bị hủy diệt bởi chiến tranh đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, kêu gọi nhân loại yêu chuộng hòa bình chung tay xây dựng nền hòa bình bền vững cho thế giới.
Trong những phát biểu của mình trước báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam từng khẳng định một chân lý: Quảng Trị đã không còn là địa danh của một địa phương, mà đã thành một biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào về một thời hào hùng và khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Quảng Trị đang nỗ lực xây dựng mảnh đất này, trở thành biểu tượng hòa bình và tôn vinh giá trị của hòa bình. Hôm nay và mãi mãi mai sau, Quảng Trị chắc chắn sẽ là một điểm đến của du lịch hoà bình, một điểm hẹn của hòa bình.