Điểm tựa cho phụ nữ yếu thế
Là chỗ dựa an toàn của những người yếu thế là phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS, gần 1 năm qua, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” làng Tung đã phát huy tích cực vai trò của mình trong phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới. Mô hình gồm 8 thành viên và có nhà tạm lánh tại làng Tung. Các thành viên là những Người có uy tín trong cộng đồng, có kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng - chống bạo lực, giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống.
Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” đã giúp các thành viên và người dân trên địa bàn xã nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, phòng - chống bạo lực gia đình; giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh, tránh những rủi ro về sức khỏe và huy động sự chung tay của cộng đồng tham gia phòng - chống bạo lực gia đình.
Từ khi thành lập đến nay, mô hình đã kịp thời hoà giải 3 trường hợp mâu thuẫn, có nguy cơ bạo lực gia đình. Sau khi được tuyên truyền, vận động, tư vấn hòa giải mâu thuẫn đã giúp các thành viên gia đình nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, thực hiện tốt phòng, chống bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, mô hình địa chỉ tin cậy còn chia sẻ tâm lý, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, tuyên truyền phổ biến pháp luật, ngăn chặn kịp thời 2 vụ tảo hôn trên địa bàn.
Chị Rah Lan H’Sên (làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) chia sẻ: Được tham gia các buổi truyền thông của địa chỉ tin cậy, tôi được biết thêm về cách phòng chống bạo lực gia đình, nắm được pháp luật và quyền của trẻ em, chăm sóc trẻ em, những lợi ích của hạnh phúc gia đình. Trong gia đình, vợ chồng không được to tiếng, đánh nhau, phải bình đẳng và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bên cạnh đó, các thành viên trong “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” đã lắng nghe những câu chuyện của các hộ gia đình, của chị em; chia sẻ, tư vấn giúp họ giải quyết được những trăn trở, lo lắng để có thêm sự tự tin, phát huy tốt vai trò của mình trong gia đình, cộng đồng. Đồng thời, chị em tự tin tham gia phát triển kinh tế như trồng lúa, mì, cà phê tăng thu nhập cho gia đình.
Bà Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Nan, huyện Đức Cơ cho biết: “Địa chỉ tin cậy cộng đồng là mô hình cần thiết đối với người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở xã biên giới Ia Nan. Đây là địa chỉ tin cậy, an toàn để chị em chia sẻ, tâm tư tình cảm, cách làm hay để xoá bỏ rào cản về định kiến giới, tự tin xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Nâng cao hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”
“Địa chỉ tin cậy cộng đồng” là một trong những mô hình thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn huyện.
Sau 3 năm triển khai Dự án 8, bước đầu đã mang lại kết quả tích cực trong xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới vùng đồng bào DTTS. Theo đó, huyện Đức Cơ đã thành lập được 1 "Địa chỉ tin cậy cộng đồng", củng cố 15 "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" với gần 200 thành viên tại các thôn, làng triển khai dự án. Đồng thời, tổ chức 12 lớp tập huấn hướng dẫn nâng cao năng lực cho Tổ truyền thông cộng đồng và các lớp truyền thông dự án 8, truyền thông pháp luật hôn nhân gia đình, tảo hôn; 19 buổi truyền thông một số vấn đề về giới và bình đẳng giới tại 19 làng với hơn 1.000 hội viên phụ nữ, người dân tham dự…
Bà Lê Thu Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Cơ (Gia Lai) cho biết: Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” đã phát huy vai trò tham mưu, chủ động lồng ghép, vận động nguồn lực, huy động sự tham gia của các cấp, ngành trong triển khai các hoạt động nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Cùng với đó, là việc tổ chức các hoạt động cung cấp kiến thức về giáo dục làm cha mẹ, cách chăm sóc, giáo dục con cái, giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình, các kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình…; Đẩy mạnh việc huy động sự tham gia tích cực, tăng dần về số lượng nam giới vào các hoạt động do Hội tổ chức để tăng sự cảm thông, chia sẻ của người chồng, người cha trong gia đình. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về bạo lực gia đình; kịp thời lên tiếng, phối hợp tham gia giải quyết kịp thời các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực.
Thời gian tới, huyện Đức Cơ sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các mô hình trong công tác tuyên truyền, vận động và các hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy một cách mạnh mẽ trong giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Từ đó, phụ nữ, trẻ em tự tin vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.