Cụ thể, vị trí thứ nhất ở phía Tây, gần đỉnh hòn Vọng Phu bị sạt lở khối đá có kích thước rộng khoảng 1x3 m. Vị trí thứ 2 ở phía Đông hòn Vọng Phu, sạt lở khối đá có kích thước rộng 2,5x3 m. Các khối đá bị sạt lở hiện đang nằm dưới chân hòn Vọng Phu.
Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Thanh Hóa) cho biết đã có báo cáo gửi UBND Tp. Thanh Hóa và Sở VHTT&DL về việc sạt lở tại thắng cảnh hòn Vọng Phu (phường An Hoạch, Tp. Thanh Hóa). Để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, đơn vị này đề nghị Tp. Thanh Hóa có thông báo về khu vực sạt lở để người dân được biết và phòng tránh.
Núi Vọng Phu là ngọn núi đá vôi được thiên nhiên tạo nên hình một người phụ nữ đang quay mặt về phía biển Đông. Hình tượng này gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hóa đá. Chóp núi Vọng Phu là một khối đá hoa cương khổng lồ, đứng thẳng lên trời, bên cạnh lại có một khối đá khác nhỏ hơn. Hai khối đá này tương tự hình người, từ xa khoảng 50 km vẫn còn trông rõ hình tượng người mẹ hóa đá đang bồng đứa con, phóng tầm mắt ra biển khơi mong chờ người chồng trong vô vọng.
Hòn Vọng Phu nằm trong cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (còn gọi là núi Nhồi) ở phường An Hưng, Tp. Thanh Hóa, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1992.