Tại buổi Tọa đàm khoa học “Văn hóa và phát triển”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 3 vừa qua, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng: “Trong nhận thức mới, di sản văn hóa-sản phẩm sáng tạo của con người-không chỉ đóng vai trò mang tính quyết định đem lại sự phát triển kinh tế bao trùm, giúp xóa đói giảm nghèo, tạo ra sự thịnh vượng về mặt kinh tế, mà còn là nền tảng tạo ra sự gắn kết xã hội, bảo đảm sự phát triển bình đẳng, nhân văn và có bản sắc”.
Không thể phủ nhận, những năm qua, di sản văn hóa ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan, ban, ngành và cộng đồng xã hội trên cả nước. Công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản bao gồm tất cả các lĩnh vực như: di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; bảo tàng; di sản văn hóa phi vật thể... đã có những thành tích đáng ghi nhận. Trong đó, trước hết phải ghi nhận công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản ngày càng được hoàn thiện với một Luật, 8 nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, 16 thông tư và 4 quyết định ban hành quy chế, quy định, định mức điều chỉnh các hoạt động liên quan về di sản văn hóa. Đó là kim chỉ nam quan trọng mang tính chính thể trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.
Bên cạnh việc bảo vệ, giữ gìn di sản quý giá, nhiều di sản đã và đang trở thành nguồn lực thực sự cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Đơn cử như quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã có những thay đổi tích cực từ năm 2015 đến nay. Danh hiệu Di sản thế giới đã tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng Bắc bộ và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo Báo cáo Tổng kết công tác du lịch năm 2018 của tỉnh Ninh Bình, toàn tỉnh đã đón trên 7,3 triệu lượt khách, tăng 4,6% so với năm 2017, vượt chỉ tiêu đề ra. Doanh thu du lịch đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2017.
Nếu trước đây nhiều gia đình chỉ sống bằng nông nghiệp thì nay chuyển sang làm dịch vụ du lịch. Nhờ vậy thu nhập của người dân đã tăng lên rõ rệt, bình quân đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa người dân được giao lưu với du khách, mở rộng hiểu biết và có trách nhiệm hơn với công tác bảo vệ di sản, môi trường tự nhiên. Qua đó còn thay đổi cơ bản về nhận thức bảo vệ môi trường, đặc biệt trong vùng di sản Tràng An.
Hay tại Quảng Ninh, năm 2017, khi lễ hội Tiên Công ở thị xã Quảng Yên được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ là niềm vui, tự hào đối với Nhân dân mà còn là động lực cho sự phát triển toàn diện.
Với sự công nhận đó, vùng đất Quảng Yên đang đổi thay từng ngày trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội với mục tiêu trở thành đô thị loại III trước năm 2020 và trở thành thành phố thông minh, thành phố xanh trước năm 2030. Để góp phần hiện thực hoá các mục tiêu trên thì di sản văn hoá có vai trò rất quan trọng, thực sự là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và phát triển du lịch địa phương.
Tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững được tổ chức vào tháng 7/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Kho tàng di sản văn hóa đồ sộ đó không chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng mà còn đem lại những giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội”.
HỒNG MINH