Tình trạng trên được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu và lãnh đạo một số sở ban ngành nêu ra trong cuộc làm việc với Đoàn công tác liên ngành của Trung ương gồm đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, do ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) làm trưởng đoàn, diễn ra cuối tuần qua.
Nguồn lực đầu tư chưa bảo đảm
Ông Lê Nhãn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho hay, giai đoạn 2016 - 2021, Quảng Nam triển khai 5 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai theo Quyết định số 1776 (ngày 21/11/2012) của Thủ tướng Chính phủ với tổng nguồn vốn thực hiện gần 109,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 84 tỷ đồng, ngân sách địa phương xấp xỉ 25,4 tỷ đồng.
“Tổng số hộ dân được bố trí, sắp xếp của 5 dự án là 656 hộ, trong đó di dời theo diện tập trung 287 hộ và di dời theo diện xen ghép 369 hộ. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ di dời số hộ dân vừa nêu là hơn 12,5 tỷ đồng”, ông Nhãn nói.
Về công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư các dự án thủy điện, ông Lê Nhãn cho biết, trên địa bàn Quảng Nam có 9 dự án thủy điện có di dân, tái định cư.
Trong đó, có 4 dự án các hộ dân tái định cư tự do (gồm thủy điện Sông Côn 2, Tr’Hy, Sông Tranh 4, A Vương 3) và 5 dự án tái định cư tập trung (gồm thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Đăk Mi 4C, Sông Bung 4).
Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án thủy điện nêu trên là hơn 3.302 tỷ đồng. Tổng số hộ tái định cư là 1.786 hộ, trong đó tái định cư tập trung 1.069 hộ với 14 khu, tái định cư xen ghép 381 hộ, tái định cư tự do 336 hộ.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngày 5/1/2022 UBND tỉnh có Quyết định số 09 phê duyệt dự án đầu tư ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân sau tái định cư dự án thủy điện Sông Bung 4 (Nam Giang).
Dự án này có tổng nguồn vốn 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 90 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 10 tỷ đồng, do UBND huyện Nam Giang làm chủ đầu tư. Năm 2022, tỉnh đã bố trí 5,5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho dự án trên.
Theo ông Trương Xuân Tý, hiện nay còn 3 dự án đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư thuộc các dự án thủy điện Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, A Vương (tổng nguồn vốn dự kiến gần 218,4 tỷ đồng) chưa được phê duyệt.
Được biết, ngày 27/5/2020, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 52 về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 lĩnh vực bố trí, sắp xếp ổn định dân cư và di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện gửi Bộ NN&PTNT nhưng chưa được Trung ương bố trí vốn.
Tại cuộc làm việc với đoàn công tác liên ngành của Trung ương, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai theo Quyết định số 1776 của Thủ tướng Chính phủ còn bất cập. Cụ thể, việc quy định kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình di chuyển người và tài sản với mức 20 triệu đồng/hộ là rất thấp.
Trong khi đó, quỹ đất do nhà nước quản lý sử dụng để quy hoạch bố trí dân cư ngày càng khó khăn; giá đất ngày càng tăng cao, người dân không đủ khả năng tự mua để bố trí di dời xen ghép. Đặc biệt, hiện nay nhu cầu đầu tư xây dựng các khu tái định cư ở những vùng thiên tai của tỉnh là rất nhiều nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế...
Theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nguồn vốn đầu tư cho chương trình sắp xếp dân cư và hỗ trợ ổn định đời sống, phát triển sản xuất đối với người dân sau tái định cư các dự án thủy điện hằng năm trung ương bố trí còn thấp so với nhu cầu.
Nhu cầu đầu tư còn rất lớn
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính quan tâm đề xuất Chính phủ bố trí vốn đầu tư ngoài kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để Quảng Nam có điều kiện triển khai một số dự án bức thiết.
Trong đó, đáng chú ý là dự án di dời khẩn cấp khu dân cư Tổ Đàng Nước, Tổ Đàng Bộ, Tổ Mậu Cà và các vùng lân cận huyện Bắc Trà My với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Trung ương cần nghiên cứu bố trí vốn để triển khai các dự án hỗ trợ ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân sau tái định cư đối với 3 dự án thủy điện gồm Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, A Vương với tổng kinh phí 218 tỷ đồng.
Theo ông Lê Nhãn, ngoài những dự án khẩn cấp nêu trên, thời gian tới nhu cầu đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung ở Quảng Nam còn khá lớn.
Qua rà soát cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh cần phải đầu tư xây dựng 73 khu tái định cư tập trung với tổng diện tích hơn 116 ha đất để bố trí cho 3.639 hộ dân. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.097,5 tỷ đồng. Tỉnh đề nghị Trung ương quan tâm bố trí 500 tỷ đồng để địa phương triển khai thực hiện.
Ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhìn nhận, những năm qua cả ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh đều không đảm bảo nguồn lực thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai cũng như các dự án ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân sau tái định cư thủy điện...
Ông Tiến cho biết, đoàn công tác ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, đáng chú ý là chính sách hỗ trợ bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai còn bất cập. Cụ thể, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ dân để di chuyển người và tài sản là quá thấp.