Theo ông Nguyễn Hải Liên, Nhà Nghiên cứu Văn hóa dân gian (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận, mã la là nhạc cụ tiêu biểu và phổ biến, vừa là tài sản quý giá lại vừa là vật thiêng của gia tộc người Raglai. Sở dĩ xem mã la là vật thiêng vì nó có thể thay mặt cho gia tộc hướng về tổ tiên, ông bà trong các lễ hội của người Raglai. Ngày xưa mã la đóng vai trò là thần bảo vệ, thần tiên tri, báo hiệu điều lành, điều dữ cho dân làng biết để ứng phó.
Ngày nay, trong các nghi lễ của đồng bào Raglai, nhất là trong các lễ hội còn lưu giữ như: Lễ ăn đầu lúa, lễ bỏ mả… thì không thể thiếu mã la. Tiếng mã la tượng trưng cho người dẫn đường, lời mời mộc, thỉnh cầu ông bà, tổ tiên… về chung vui với dòng tộc, con cháu. Đồng bào Raglai vốn ít thổ lộ tình cảm bằng lời nói. Mã la là nhạc cụ duy nhất trong gia tộc để mọi người gửi gắm tình cảm, ước mơ và giáo dục con cái luôn nhớ về cội nguồn, ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Mã la quan trọng với đồng bào Raglai là vậy nhưng trong thời buổi hiện đại, một bộ phận lớp trẻ không còn mặn mà với loại nhạc cụ này, khiến cho âm vang mã la có nguy cơ “đứt nhịp”. Trước thực trạng này, cách đây 6 năm, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận chọn xã Phước Thắng (Bác Ái) thí điểm thành lập các đội “Mã la gia tộc Raglai”. Mục đích là tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu được ý nghĩa và nâng cao nhận thức để giáo dục con cháu trong tộc họ về ý thức bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống của cộng đồng mình.
Bằng sự cố gắng và nỗ lực của Hội Văn nghệ dân gian và các cơ quan ban, ngành, hiện toàn tỉnh Ninh Thuận có 20 đội mã la gia tộc; các nghệ nhân dân gian Raglai đang miệt mài truyền dạy, chuyển giao cho con cháu.
Nghệ nhân ưu tú Mai Thắm, thôn Mai Oai, xã Phước Thắng (Bác Ái), cho biết: Nhiều năm qua, được sự trợ giúp của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh vận động thành lập đội mã la gia tộc, tôi đảm nhận việc truyền dạy cho 2 tộc họ Pi Năng và Patâu Asá, với các cháu có độ tuổi từ 11-14 tuổi. Giờ đây, con cháu trong tộc họ đã biểu diễn thuần thục nhạc cụ và có nhiều chuyến lưu diễn trong và ngoài tỉnh.
“Tuy việc truyền dạy mã la tại tộc họ mấy năm qua có chiều hướng phát triển tốt, nhưng sau khi các cháu học hết phổ thông đi học và đi làm ăn xa, việc tập luyện mã la sẽ không còn được duy trì như trước nữa. Đặc biệt, số lượng mã la tại các gia tộc không đủ, thường xuyên phải đi mượn nơi khác khi tập luyện nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý học đánh mã la của các cháu, ông Thắm chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Liên, một trong những cách bảo tồn hiệu quả mã la của đồng bào Raglai đó là, duy trì việc truyền dạy mã la trong gia tộc cho các lớp thanh niên trẻ, nhất là các cháu gái từ 12-14 tuổi. Vì các cháu này luôn ở tại làng và dù khi trưởng thành, thì các gia tộc vẫn duy trì được đội mã la, với chế độ mẫu hệ “mẹ truyền con nối”. Và giá trị bảo lưu, phát huy di sản văn hóa của tộc người Raglai sẽ được nâng lên.
Nghệ nhân ưu tú Pi Năng Thị Kính cũng cho biết: Tộc họ tôi chỉ truyền dạy mã la cho con gái vì đồng bào Raglai theo chế độ mẫu hệ; còn con trai khi lớn lên đi lấy vợ và đi nơi khác sống, mình vừa mất đội, vừa mất các bài nhạc đã dạy. Bằng cách như thế mới giữ được nét văn hóa của dân tộc Raglai.
Việc dạy mã la tại tộc họ của đồng bào Raglai tuy có gặp khó khăn, nhưng với tâm huyết, nỗ lực của cộng đồng, tiếng mã la vẫn ngày đêm vang vọng giữa núi rừng. Anh Tạ Yên Mơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà (Thuận Nam) vui mừng chia sẻ: “Hầu như các tộc họ ở địa phương đều biết đánh mã la. Trong Lễ hội Ăn đầu lúa của các gia tộc ở làng Giá, Là A… âm vang mã la đã vang lên bởi những bàn tay điêu luyện của nghệ nhân và làm cho lễ hội được linh thiêng, nhộn nhịp hơn”.
ĐẠT THÀNH NHÂN