Khi chúng tôi đến thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, Nghệ nhân Ưu tú Mai Thấm (dân tộc Raglay) đang ngồi trước hiên nhà tỉ mẩn cân chỉnh âm thanh mã la để chuẩn bị truyền dạy biểu diễn nhạc cụ cho các cháu học sinh trong kỳ nghỉ Hè.
Mã la là một nhạc cụ truyền thống, gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Raglai. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, loại nhạc cụ này bị thất lạc, còn lại rất ít và tiếng mã la chỉ còn trong ký ức người già. Nhưng, từ những nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa với việc trang bị nhạc cụ mã la phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống, đã góp phần níu giữ những âm thanh trầm hùng trong mỗi bản làng Raglai.
Từ ngàn xưa, mã la được xem là nhạc cụ tiêu biểu cũng là tài sản quý giá trong mỗi gia tộc và là “vật thiêng” trong đời sống tâm linh của đồng bào Raglai (Ninh Thuận). Ngày nay, tuy đã có nhiều thay đổi nhưng âm vang mã la không thể thiếu vắng trong các lễ hội truyền thống của cộng đồng Raglai.
Nghệ nhân Ưu tú Mai Thấm có phong cách biểu diễn nhạc cụ mộc mạc mà hấp dẫn thu hút người xem. Ông là Nghệ nhân có khả năng sử dụng thành thục các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Raglay như mã la, chapi, kèn bầu. Thực hiện Dự án 6 Chương trình MTQG 1719 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, Nghệ nhân đã tận tâm truyền dạy biểu diễn mã la cho người dân các xã trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Đến xã Phước Hà , huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), chúng tôi nghe âm vang nhạc cụ mã la từ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Phước Hà ngân nga. Tiếng “tìn toon” của nhịp điệu mã la như làm ấm áp không gian thôn xóm vùng cao trong những ngày Xuân Mậu Tuất 2018. Việc đưa nhạc cụ mã la vào chương trình hoạt động ngoại khóa tạo nên nét mới trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai.