Thời điểm giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thường chứa lượng lớn hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Không ít nhà ở kết hợp kinh doanh treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các vật dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải... gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt, thậm chí hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn...
Ðối với các hộ gia đình kết hợp kinh doanh, nhà vừa là nơi để ở, vừa là kho trữ hàng hóa, không chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra cháy mà còn gây cản trở việc thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Những lối thoát hiểm thường là ban công, tầng thượng, nhưng đã bị chất kín hàng hóa, nạn nhân không có lối thoát nạn ra ngoài, bị ngạt khí dẫn đến tử vong.
Ðơn cử, sáng 21/12/2024, đã xảy ra một vụ cháy nghiêm trọng tại căn nhà 1 trệt 3 tầng trên đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh khiến 2 người tử vong và nhiều người bị thương do ngạt khói. Ngôi nhà vừa làm quán ăn ở tầng trệt, các tầng phía trên có khoảng 20 phòng cho thuê trọ.
Mùa Đông, nhiệt độ giảm sâu, dẫn đến gia tăng nhu cầu sử dụng những thiết bị điện công suất lớn như: Đèn sưởi, quạt sưởi, bình nóng lạnh... Lượng điện sinh hoạt hằng ngày tăng, kết hợp với lượng điện tiêu thụ tại các cơ sở sản xuất tăng ca, tăng thiết bị sản xuất để phục vụ dịp Tết Nguyên đán trong khi hệ thống hạ tầng điện không thay đổi, dễ dẫn đến quá tải, chập, cháy hệ thống điện. Trong các nguyên nhân dẫn đến cháy nổ gia tăng dịp gần Tết, nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự sơ suất, bất cẩn của người dân.
Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) khuyến cáo: Người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chú trọng tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm các nội quy, quy định về PCCC.
Ðồng thời, tăng cường tự kiểm tra, kịp thời khắc phục các thiếu sót có thể dẫn đến cháy nổ; sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bảo đảm các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả. Cần tổ chức ca trực trong giờ làm việc và ngoài giờ hành chính để kịp thời phát hiện, dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh, tránh để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH yêu cầu Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy; cấm lửa, hút thuốc ở những khu vực nguy hiểm. Cần tách riêng hệ thống điện kinh doanh, chiếu sáng, thoát nạn và chữa cháy; lắp thiết bị bảo vệ (aptomat) cho toàn bộ hệ thống điện, từng tầng, nhánh, ngành hàng và quầy sạp. Bố trí ngành hàng khó cháy xen kẽ ngành hàng dễ cháy; không làm mái che, mái vẩy, không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà.
Tại siêu thị, trung tâm thương mại, cần bố trí cầu thang thoát nạn riêng biệt, có lối ra ngoài trực tiếp và phòng lánh nạn tạm thời; lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, đèn chiếu sáng sự cố, và chỉ dẫn thoát nạn rõ ràng. Cửa thoát nạn cần mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy, cửa buồng thang thoát nạn phải có cơ cấu tự đóng.
Thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức tuần tra, huấn luyện nghiệp vụ, và diễn tập phương án chữa cháy, cứu người. Khi xảy ra cháy, báo ngay cho Cảnh sát PCCC qua số điện thoại 114 hoặc Công an nơi gần nhất, đồng thời tổ chức dập lửa theo phương án.
Ðối với các hộ kinh doanh, cần quản lý chặt nguồn lửa, nguồn nhiệt; không đốt hương, vàng mã, đun nấu, hút thuốc bừa bãi; không tự ý câu móc điện, lấn chiếm lối đi chung và không tàng trữ, buôn bán trái phép các chất nguy hiểm cháy, nổ.