Theo Quyết định 121, đối với trường hợp bộ đội xuất ngũ học nghề trình độ sơ cấp, được cấp thẻ học nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu và có giá trị sử dụng trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp. Trường hợp bộ đội xuất ngũ học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng thì được học nghề theo cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở dạy nghề theo quy định. Nhà nước thanh toán 100% chi phí đào tạo cho cơ sở dạy nghề căn cứ vào thẻ học nghề. Trường hợp chi phí đào tạo của nghề học cao hơn giá trị của thẻ học nghề, thì người học tự chi trả phần chênh lệch cho cơ sở dạy nghề.
Mặc dù chính sách đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ khá ưu việt. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế lại vấp phải không ít khó khăn. Theo phản ánh từ nhiều địa phương, thời gian sử dụng thẻ hỗ trợ học nghề sau khi xuất ngũ quá ngắn (12 tháng kể từ ngày xuất ngũ), nên hầu hết, quân nhân sử dụng thẻ này chỉ biết đi học… lái xe ô tô. Trong khi, không phải địa phương nào cũng có nhu cầu tuyển lái xe. Hơn nữa, hiện quy định chỉ áp dụng thanh toán cho trình độ đào tạo nghề sơ cấp đối với các trường ngoài quân đội, còn muốn học trung cấp, cao đẳng phải đến các trường trong quân đội.
Bên cạnh bất cập về cơ cấu học nghề, việc quân nhân xuất ngũ tham gia học nghề cũng rất ít. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn 2010-2014, Bà rịa-Vũng tàu có 7.725 quân nhân xuất ngũ, chỉ có 1.954 người học nghề. Năm 2016-2017, có 2.334 quân nhân xuất ngũ thì chỉ có 1.843 người học nghề và 774 người có việc làm.
Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, một phần do nhận thức của số đông quân nhân trong sử dụng thẻ học nghề còn hạn chế. Bên cạnh đó, ngành nghề đào tạo tại một số trường chưa đa dạng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo thiếu đồng bộ, không theo kịp với xu thế phát triển của thị trường lao động, việc làm nên chưa thu hút được nhiều học viên tham gia học nghề.
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền về học nghề và việc làm cho thanh niên xuất ngũ. Đồng thời, rà soát và thống kê thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, khảo sát nhu cầu lao động doanh nghiệp đang cần nhằm tư vấn, định hướng lựa chọn nghề.
Đặc biệt, cần phải tăng cường tư vấn kết nối cung-cầu để bộ đội xuất ngũ và doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin, từ đó tìm được đào tạo phù hợp. Mai Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề số 10, Bộ Quốc phòng cho rằng, để nâng cao hiệu quả của đào tạo nghề, trước hết chúng ta cần tìm hiểu nhu cầu việc làm trên thực tế. Đồng thời, sau khi đào tạo nghề cần tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Có như vậy thì các nguồn lực lao động sau khi được đào tạo mới không bị “lỗi nhịp” với thị trường lao động.
Thời gian tới, chúng ta cũng cần xem xét xây dựng định mức chi phí đào tạo cho từng nghề ở trình độ sơ cấp theo hướng nâng lên. Đồng thời, xem xét lại thời gian và hình thức đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu của bộ đội xuất ngũ.
Trong giai đoạn hiện nay, các trường nghề cũng cần tích cực, chủ động cung ứng dịch vụ tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của bộ đội xuất ngũ. Thông qua nâng cấp các công cụ, phương tiện và tài liệu dùng trong dạy nghề. Bản thân các giảng viên cần thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cập nhật để đào tạo nghề tốt hơn cho bộ đội xuất ngũ.
THIÊN ĐỨC - VĂN PHÚC