Vượt lên chính mình
Phải khẳng định, TD&MNBB mang trong mình “kho báu” khổng lồ với những tiềm năng, lợi thế đặc thù so với các vùng khác. Tiềm năng của vùng lớn nhưng tại sao lại chưa phát huy được, dẫn đến TD&MNBB hiện vẫn là “vùng trũng” trong phát triển của đất nước?
Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra đối với các địa phương tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được tổ chức tại Lào Cai ngày 27/8/2022. Nêu nguyên nhân, bên cạnh những khó khăn khách quan, người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ, chưa phát triển được là do cơ chế chính sách còn hạn hẹp. Vùng TD&MN chưa phát triển được cũng do các địa phương còn “trông chờ, ỷ lại” vào Trung ương; tính tự lực, tự cường chưa cao; chưa phát huy được tiềm năng to lớn của vùng, chưa biến tiềm năng thành nguồn lực.
Sự năng động sáng tạo, tự lực, tự cường của cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng TD&MNBB chưa cao thể hiện rõ ở Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với các chỉ số như gia nhập thị trường, đào tạo lao động, tính minh bạch và thiết chế pháp lý... Trong khi dòng chảy cải cách của các địa phương trên cả nước vẫn duy trì, phát triển thì các địa phương vùng TD&MNBB vẫn cứ ì ạch, nằm tốp cuối trong 63 tỉnh, thành phố.
Chỉ số PCI năm 2021 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi tháng 5/2022 cho thấy, trong 14 tỉnh vùng TD&MNBB thì chỉ có Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang thuộc nhóm khá; số còn lại hầu hết đều nằm ở vị trí cuối cùng của bảng xếp hạng. Ở vị trí thấp nhất có Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu; nhóm trung bình có Yên Bái, Sơn La, Bắc Kạn,… Thậm chí, tỉnh Hòa Bình rơi tới 18 bậc, từ vị trí thứ 44 của PCI 2020 xuống hạng áp chót (62/63 tỉnh, thành phố) năm 2021.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, việc cải thiện các chỉ số PCI nằm trong tầm tay của chính quyền các địa phương. Trong bối cảnh nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh còn nhiều chồng chéo và đang trong quá trình hoàn thiện thì vai trò của chính quyền địa phương vô cùng quan trọng.
Tại một hội thảo góp ý để Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết số 11-NQ/TW trình Bộ Chính trị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội vùng TD&MNBB, trước hết cần phát huy tính năng động sáng tạo của người đứng đầu, tiếp đến là nguồn lực bên ngoài.
“Trước hết, chúng ta phải có cơ chế, thể chế để buộc Bí thư, Chủ tịch phải năng động, sáng tạo, luôn suy nghĩ tìm cách làm mới. Việc phân bổ nguồn lực Trung ương theo thực tế, không cào bằng. Dựa trên mục tiêu đã có, ai có sáng kiến tốt thì được đầu tư nhiều hơn. Đấy là cách vừa tận dụng vừa khuyến khích năng động sáng tạo”, ông Cung nói.
Đột phá từ lợi thế đặc thù
Tư duy phát triển “không cào bằng” theo cách nói của TS. Nguyễn Đình Cung cần được hiểu thêm ở khía cạnh các tỉnh vùng TD&MNBB phải lựa chọn lĩnh vực kinh tế mũi nhọn riêng. Dựa trên lợi thế đặc thù, các địa phương cần tạo ra lợi thế so sánh với địa phương khác trong vùng, chứ không phải thấy “người ta ăn khoai cũng vác mai ra đào”.
Quay trở lại gợi mở lấy rừng làm trung tâm cho sự phát triển vùng TD&MNBB của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để làm rõ thêm vấn đề này. Kinh tế rừng là một lợi thế của vùng TD&MNBB so với các vùng khác; nhưng không phải tỉnh nào trong vùng TD&MNBB cũng có thể lấy lâm nghiệp làm kinh tế mũi nhọn.
Như Hà Giang, với địa hình, địa chất đặc thù núi đá, rừng không thể là lợi thế để phát triển. Nhưng với Yên Bái, kinh tế rừng đã và đang chứng minh hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có trên 433 nghìn ha rừng, trong đó rừng sản xuất chiếm hơn một nửa, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa thúc đẩy địa phương này phát triển bền vững. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định, kinh tế lâm nghiệp là hướng đi của Yên Bái trong 10 năm tới, theo hướng đa mục tiêu, vừa khai thác giá trị kinh tế, vừa giải quyết các vấn đề xã hội, đồng thời bảo đảm môi trường.
Không để xảy ra tình trạng “khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”
Trong kết luận Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được tổ chức tại Lào Cai ngày 27/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng đinh, Nhà nước đã có đầy đủ và đúng đắn các chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, hành động phát triển kinh tế - xã hội vùng TD&MNBB. Điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện thật tốt, không để xảy ra tình trạng “khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”. Theo đó các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá; biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, cách làm tốt; uốn nắn, chấn chỉnh đối với những yếu kém, thiếu sót.
Nhưng “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” phải được xem là phương châm phát triển của các tỉnh vùng TD&MNBB. Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, để hướng tới sự phát triển bền vững cho cả vùng TD&MNBB, các tỉnh trong vùng cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của liên kết vùng, tập trung khai thác thế mạnh của từng vùng để bổ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Cùng với phát huy nội lực, biến tiềm năng thành động năng, các địa phương vùng TD&MNBB rất cần Trung ương xây dựng, ban hành các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng và của từng địa phương. Như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, để phát triển kinh tế rừng, Trung ương sớm nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chính sách đặc thù cho các địa phương chuyển diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt, kém hiệu quả sang trồng rừng gỗ lớn, cây ăn quả,... theo hướng thâm canh, hình thành các vùng trồng tập trung có giá trị kinh tế cao; xem xét có cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội; có cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, giao đất, giao rừng...
Đề xuất về một số định hướng phát triển, liên kết vùng cho 14 tỉnh TD&MNBB, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, về cơ bản chủ trương chính sách đã khá đầy đủ, đã có quy hoạch của quốc gia, từng tỉnh, từng vùng, tuy nhiên vẫn cần có một “nhạc trưởng” để biến quy hoạch liên kết các địa phương, liên kết vùng với nhau trở thành hiện thực. Song song với đó, các chính sách đưa ra cần phải có những điểm đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ tăng liên kết vùng và thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Ban Kinh tế Trung ương cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về vấn đề liên kết vùng từ quy hoạch tới cơ sở hạ tầng, đưa giải pháp để hiện thực hóa các quy hoạch sẵn có đó. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp về công nghệ trên phạm vi, quy mô liên kết vùng. Khi có đủ những yếu tố này trong tay thì địa phương sẽ có đủ điều kiện để xây dựng chính sách, tạo tiền đề cho các tập đoàn kinh tế lớn, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào địa bàn, tạo động thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững vùng TD&MNBB.