Trung du miền núi Bắc Bộ là cửa ngõ thông thương với nước bạn Lào, Trung Quốc và các nước ASEAN; là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản và nhiều tiềm năng du lịch với hồn cốt là nền văn hóa đa dạng, đặc sắc của đồng bào các DTTS. Tuy nhiên, đây vẫn là “lõi nghèo” của cả nước, trong khi nhiều tiềm năng vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Bứt phá mạnh mẽ
Trung du miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn. Tuy nhiên, đây vẫn là “lõi nghèo” của cả nước.
Tại thời điểm năm 2005, với chuẩn nghèo đơn chiều chỉ tính bằng thu nhập (áp dụng theo Quyết định 170/2005/QĐ-TTg, hộ nghèo là hộ có mức thu nhập từ 200.000 đồng/tháng trở xuống) thì tỷ lệ nghèo ở vùng TDMNBB là 38,72% (tỷ lệ nghèo chung cả nước lúc đó là 22%). Tỷ lệ thuận với tỷ lệ hộ nghèo cao là các vấn đề an sinh xã hội bức thiết.
Bước đột phá cho vùng TDMNBB được bắt đầu từ Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng TDMNBB đến năm 2010; được kế thừa và phát triển tại Kết luận số 26-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI. Đây là cơ sở chính trị dẫn lối chỉ đường để cả hệ thống chính trị tập trung trí tuệ, nguồn lực thực hiện mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng TDMNBB. Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 37-NQ/TW sau 17 năm triển khai, đã tạo ra một Sơn La là vựa trái cây, Yên Bái là “thủ phủ” quế, Lào Cai là trung tâm công nghiệp, luyện kim lớn của đất nước.
Vùng TDMNBB bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898 km², chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, có nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm; dân số toàn vùng 14,7 triệu người, chiếm khoảng 15,2% dân số cả nước, gồm hơn 30 dân tộc anh em. Toàn vùng có khoảng 2.000 km biên giới với Trung Quốc và Lào, TDMNBB có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là vùng bảo đảm về an ninh môi trường sinh thái, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước.
Lấy Yên Bái làm dẫn chứng, theo Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, nền kinh tế tỉnh đã có bước phát triển “không thể tưởng tượng”. Trong đó, thu ngân sách gấp 15 lần so với năm 2004, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 12 lần. Đặc biệt, từ một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 70% (năm 2005) thì hiện tỷ lệ hộ nghèo của Yên Bái đã giảm xuống dưới 5%, theo chuẩn nghèo đa chiều.
“Cách đây 10 năm không thể nghĩ Yên Bái có huyện nông thôn mới, thì đến năm 2019 đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành mục tiêu nông thôn mới; toàn tỉnh còn có 88/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới", ông Duy nói.
Còn với Hà Giang, nơi địa đầu của Tổ quốc, đồng thời là địa phương nghèo nhất cả nước, cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng 13,7 lần so với năm 2004, tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng 10,8 lần; tỷ lệ hộ nghèo từ 43,73% năm 2006 giảm còn 21,44% cuối năm 2020;…
Sự phát triển vượt bậc này, đã được đánh giá một cách toàn diện tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng TDMNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được tổ chức ngày 27/8/2022.
Tại Hội nghị này, các địa biểu thống nhất nhận định, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, vùng TDMNBB đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi tích cực diện mạo của toàn vùng.
Tiềm năng chưa được khai thác đúng giá trị thực
Sự phát triển của vùng TDMNBB phần lớn xuất phát từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Đây là địa bàn có nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn; cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp cùng nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tài sản nội tại nhiều là vậy, nhưng TDMNBB vẫn là “vùng trũng” trong phát triển. Theo thống kê, năm 2020, toàn vùng chỉ có 26.470 doanh nghiệp, bằng 4% tổng số doanh nghiệp cả nước; mật độ doanh nghiệp ở thời điểm 31/12/2020 là 2,7 doanh nghiệp/1.000 dân, chỉ bằng 1/3 mật độ chung cả nước.
Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, dẫn đến nhiều tiềm năng của vùng TDMNBB vẫn chưa được khai thác đúng giá trị. Đơn cử như, tài nguyên rừng, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn vùng có khoảng 5,3 triệu ha rừng, chiếm 36,3% tổng diện tích rừng cả nước. Diện tích rừng trồng là rừng sản xuất của khu vực này là 1,3 triệu ha, chiếm khoảng 37% tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất của cả nước.
Tuy nhiên, năng suất rừng trồng còn thấp, hiện chỉ đạt 15 m3/ha/năm (bằng 83% năng suất bình quân chung cả nước, bằng khoảng 50 - 60% so với tiềm năng). Ngay cả tỉnh có lợi thế phát triển rừng sản xuất như Thái Nguyên, kinh tế rừng phát triển nhanh, nhưng giá trị ngành này hiện mới chỉ chiếm 4% tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản của tỉnh.
Thu nhập của người trồng rừng ở các tỉnh TDMNBB cũng rất thấp. Theo tính toán, mỗi ha rừng thu được khoảng 60 m3 gỗ, trừ các chi phí đầu tư, thì lợi nhuận thu được 32 triệu đồng, tính ra người dân chỉ thu được khoảng 4 triệu đồng/ha/năm.
Trong quá trình làm việc với các địa phương để tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã nhiều lần nhắc đến khai thác tài nguyên rừng. Ông Sơn gợi mở, khi quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã lấy nước là trung tâm; vậy thì đối với vùng TDMNBB, trung tâm có phải là rừng không?
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, giữ được rừng là giữ được đất, nước, môi trường, giữ được dân và quốc phòng, an ninh. Và với tư duy dài hơn rừng là kinh tế, là sinh kế của người dân, là xuất khẩu, chế biến, là văn hóa bản sắc dân tộc.
Tương tự, trong sản xuất nông nghiệp, hiện các địa phương trong vùng cũng đang chạy theo tăng trưởng “nóng” mà bỏ qua các yếu tố đặc thù tạo ra bản sắc riêng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nếu chỉ thiên về các chỉ tiêu năng suất, sản lượng, quy mô, diện tích canh tác, sản xuất các mặt hàng nông sản, thì phát triển nông nghiệp của các tỉnh TDMNBB khó lòng sánh với các địa phương khác.
Ngược lại, nếu biết cách khai thác, chăm chút giới thiệu nét đặc sắc, độc đáo văn hoá tinh hoa của đồng bào DTTS, từ tài nguyên bản địa, cảnh sắc thiên nhiên, biết cách khéo léo kể chuyện, thổi hồn cho từng sản phẩm thì nhiều giá trị mới, đa tầng, bền vững có thể được khởi tạo, lan tỏa. Đây cũng là chất xúc tác kích thích ngành du lịch - một “mỏ vàng” lộ thiên của vùng TDMNBB chưa được khai thác đúng giá trị.
Những gợi mở của các nhà quản lý và các chuyên gia là định hướng để các địa phương vùng TDMNBB nghĩ cách khai thác tiềm năng, lợi thế để phát huy hiệu quả dòng vốn vốn đầu tư.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.