Bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc
Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2019, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều cuộc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức kiểm kê số lượng cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh một cách bài bản, khoa học để đánh giá chính xác thực trạng cồng chiêng trong đời sống cộng đồng. Kết quả sơ bộ ghi nhận toàn tỉnh còn lưu giữ 4.500 bộ cồng chiêng, là tỉnh có số lượng cồng chiêng đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Hiện nay, Gia Lai có nhiều điểm vui chơi hiện đại, nên những điểm sinh hoạt văn hoá dân tộc cũng dần bị ít đi. Vì vậy, tỉnh đã đưa ra giải pháp là, tổ chức các đêm thưởng thức cồng chiêng và trải nghiệm để tạo thêm một sân chơi bổ ích cho đồng bào DTTS; hướng mọi người đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc. Đồng thời, khi du khách trải nghiệm tại đây sẽ hiểu rõ, đúng hơn về không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hàng tuần để tạo điều kiện giúp các nghệ nhân vừa trình diễn vừa có thêm thu nhập và hướng đến bảo tồn và nhân lên tình yêu văn hoá dân tộc. Đây cũng là một hoạt động nhằm thực hiện Chương trình hành động Quốc gia đã cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; tạo điều kiện để cồng chiêng được trở về với đúng môi trường vốn có, các nghệ nhân được thoải mái, tự nhiên thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc mình", ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa cho hay.
Chia sẻ về cách bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc, ông Nguyễn Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh cho biết: Bên cạnh phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi đã khuyến khích người dân bán các sản phẩm đặc trưng; phục dựng các lễ hội để người dân hiểu và bảo tồn văn hoá dân tộc. Mặt khác, chính quyền, các ban, ngành, địa phương và người dân Chư Đăng Ya đang nỗ lực chung tay xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Đồng thời, coi trọng việc truyền dạy kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, hướng đến xây dựng làng du lịch nguyên bản. Thời gian gần đây, mỗi mùa lễ hội, chúng tôi đón gần trên 100 ngàn lượt du khách, nhờ vậy, đồng bào DTTS có thêm thu nhập từ việc tham gia các hoạt động du lịch, bán các sản phẩm địa phương.
Biến di sản thành tài sản
Mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia về khuyến nghị của UNESCO, đối với các di sản phi vật thể đại diện của nhân loại bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: Tỉnh Gia Lai sẽ bổ sung vào xây dựng kế hoạch, hoạch định của tỉnh khi có quy hoạch tổng thể, có chiến lược về bảo tồn phát triển văn hoá.
Đồng thời, đề xuất HĐND tỉnh, trên cơ sở tranh thủ nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, sớm có Nghị quyết đặc thù về bảo tồn văn hoá và chính sách với nghệ nhân, cơ chế để giữ nhà rông, ngành nghề truyền thống. Đặc biệt là cam kết trách nhiệm của tỉnh trong việc cùng với Cục Di sản và Bộ Văn hoá Thể thao - Du lịch để thực hiện các cam kết với UNESCO.
Tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, công bố và đón nhận bằng di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng những tiềm năng, lợi thế của Gia Lai cần được đánh thức.
Để những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực to lớn đó được phát huy, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Gia Lai trở thành một tỉnh giàu mạnh, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Xét về 3 yếu tố của nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) thì Gia Lai đều có thế mạnh, có khả năng phát triển nhanh và bền vững. "Gia Lai và các bộ, ngành phải trăn trở, suy nghĩ để phát huy tối đa các yếu tố này, biến truyền thống thành nguồn lực, biến di sản thành tài sản. Phải lấy nội lực làm cơ bản, là chiến lược lâu dài. Đồng thời, thu hút nguồn lực bên ngoài để tạo bước đột phá trong phát triển".
Tỉnh Gia Lai cần tập trung giữ gìn, phát triển và khai thác các giá trị văn hóa bản sắc độc đáo như lễ hội pơ thi, mừng lúa mới, mừng nhà rông…, các điệu múa dân gian và các loại cồng chiêng, đàn đá, đàn goong, t’rưng…; bảo vệ và phát huy giá trị khảo cổ về thời đại Sơ kỳ Đá cũ cách đây 80 vạn năm tại địa phương; gắn phát triển văn hóa với du lịch và tăng tính kết nối vùng.