Đội cồng chiêng bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo trình diễn tại chợ phiên biên giới Lao Bảo năm 2025Huyện miền núi Hướng Hóa là nơi sinh sống của 3 dân tộc Kinh, Bru Vân Kiều và Tà Ôi; đồng bào DTTS chiếm 50,7% dân số. Trên địa bàn huyện hiện có nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào DTTS như: Lễ hội Mừng lúa mới, Lễ hội A Riêu Ping (tục dời mả), Lễ hội Cồng chiêng, Lễ hội đâm trâu, Lễ hội uống rượu thề, Lễ hội Rapựp (đám giỗ người đã khuất)…
Từ nguồn vốn các chương trình, chính sách dân tộc, đến nay, huyện đã xây dựng và đưa vào sử dụng 127 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và 4 nhà văn hóa xã, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và bảo tồn các giá trị phi vật thể, đặc biệt là bảo tồn cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống. Theo khảo sát, toàn huyện hiện lưu giữ 412 nhạc cụ như cồng, chiêng, khèn, sáo, trống, tù và, thanh la… Bên cạnh đó, 552 hộ duy trì các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, rượu men lá; 202 dụng cụ thể thao truyền thống như nỏ, ná… được bà con gìn giữ và sử dụng trong các dịp lễ hội.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa Hồ Ngọc Tình cho biết, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã tổ chức thành công Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Bru Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng và Lễ hội A Da của đồng bào Pa Kô tại thôn Kỳ Nơi, xã Lìa. Đồng thời, huyện tổ chức 4 lớp tập huấn cồng chiêng với 291 học viên; 3 lớp dạy hát dân ca Bru Vân Kiều cho 90 học viên; 5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 384 học viên tại các xã: Lìa, Xy, A Dơi, Ba Tầng, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập…
Lễ hội A Da (Mừng lúa mới của người Pa Kô) được tổ chức tại thôn Kỳ Nơi, xã A TúcHuyện cũng hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập các CLB di sản phù hợp với thực tế từng địa phương như: CLB cồng chiêng và đan lát xã Lìa, CLB cồng chiêng bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, CLB cồng chiêng khóm 6, thị trấn Khe Sanh. Đây không chỉ là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa mà còn góp phần quan trọng bảo tồn, trao truyền bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ.
Với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng bề dày văn hóa độc đáo, huyện Hướng Hóa đang tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch tiềm năng: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch cộng đồng làng nghề. Huyện cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động khai thác tiềm năng du lịch địa phương, đồng thời hỗ trợ bà con Bru Vân Kiều, Pa Kô phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa.
Đặc biệt, tour du lịch sinh thái khám phá rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng ra mắt từ tháng 4/2022 kết hợp hài hòa giữa trải nghiệm thiên nhiên với tìm hiểu đời sống văn hóa người Bru Vân Kiều. Du khách được xem biểu diễn cồng chiêng, dân ca Bru Vân Kiều, thưởng thức sản vật địa phương và tham gia các phiên chợ cuối tuần trưng bày nông sản, sản phẩm đan lát, thổ cẩm.
Các nông sản do người Bru Vân Kiều làm ra được trưng bày tại phiên chợ cuối tuần tại thôn du lịch Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng HóaNhững năm qua, huyện Hướng Hóa luôn tạo điều kiện để đồng bào duy trì, tổ chức các lễ hội truyền thống, vừa bảo tồn văn hóa đặc sắc, vừa tạo không khí gắn kết cộng đồng. Thông qua các chương trình, chính sách dân tộc, huyện cũng chú trọng hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, thời gian tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào DTTS, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.