Cầu khỉ ở miền Tây Nam BộMiền Tây Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất trẻ, được hình thành và phát triển hơn 300 năm qua. Với địa hình thấp, trung bình không quá 2m so với mặt nước biển, khu vực này có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Sông Mekong khi vào Việt Nam chia thành hai nhánh lớn là Tiền Giang và Hậu Giang, sau đó tiếp tục phân thành chín cửa đổ ra Biển Đông. Ngoài ra, nơi đây còn có vô số nhánh sông nhỏ và kênh đào được khai mở từ thời nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc cho đến sau ngày thống nhất đất nước.
Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn bán nhật triều, mỗi năm nước lũ từ thượng nguồn Mekong tràn về vào các tháng 9, 10, 11, làm ngập phần lớn diện tích. Hệ thống sông rạch dày đặc mang lại lợi thế cho giao thông thủy nhưng lại gây nhiều trở ngại cho giao thông đường bộ. Người dân có thể len lỏi khắp các vùng bằng xuồng ghe nhưng việc di chuyển bằng đường bộ gặp không ít khó khăn.
Từ xưa, để qua sông rạch nhỏ, người dân miền Tây đã xây dựng nhiều loại cầu thô sơ. Một xóm ấp có thể có hàng chục cây cầu lớn nhỏ. Những người lớn tuổi ngày nay vẫn còn nhớ hình ảnh những cây cầu này trước năm 1990 - thời điểm nông thôn miền Tây chưa phục hồi sau chiến tranh.
Cầu ván ở miền Tây Nam BộCầu ván là loại cầu phổ biến, thường bắc qua các con rạch rộng khoảng 10m trở lại. Tùy theo điều kiện địa phương và nguyên liệu sẵn có, người ta dựng cầu bằng thân cây dừa già xẻ đôi, gác lên trụ và ghép lại với nhau. Trụ cầu có thể làm bằng xi măng cốt thép hoặc gỗ. Nhịp giữa của cầu thường cao hơn để ghe xuồng qua lại dễ dàng. Có những cây cầu ván không có tay vịn, khiến người không quen phải lần mò từng bước mới dám qua.
Một số cầu ván khác được gia cố bằng hai thanh gỗ dài chắc chắn làm đà dọc, bên trên lót ván dầu, sao, trâm bầu, đước hoặc tre. Loại này dễ đi hơn vì mặt bằng rộng, ván đóng khít. Hiện nay, nhiều nơi ở miền Tây vẫn còn địa danh mang tên "Cầu Ván", gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất này.
Cầu khỉ từng rất phổ biến ở miền Tây, nhất là ở vùng sâu, nơi chưa có điều kiện xây dựng cầu kiên cố. Cầu thường có ba nhịp, nhịp giữa cao hơn để ghe xuồng lưu thông. Người ta làm cầu bằng tre, cau, tràm hoặc trâm bầu, với trụ chống chéo hình chữ X. Thân cầu chỉ là một cây tre, cây dừa nhỏ, buộc chặt vào trụ.
Do thiết kế đơn giản và bấp bênh, khi đi qua cầu, người ta phải lom khom như khỉ đu cây, nên gọi là cầu khỉ. Người dân miền Tây quen đi loại cầu này một cách thuần thục, thậm chí có thể mang vác nặng. Cầu làm bằng dừa gọi là cầu dừa, bằng tre gọi là cầu tre.
Ngoài cầu ván và cầu khỉ, miền Tây còn có loại cầu ngang bắc qua những mương lạch nhỏ. Người ta đặt một thân cây dừa, cau, so đũa hoặc trâm bầu lên hai mô đất cao hai bên bờ, tạo thành một lối đi hẹp. Tay vịn chỉ là những thanh gỗ sơ sài để người qua lại có thể vịn khi cần.
Sông nước miền Tây Nam BộHình ảnh những cây cầu thô sơ đã trở thành nguồn cảm hứng trong nhiều tác phẩm nghệ thuật.
Trong những bức tranh đẹp vẽ về thôn quê Đồng bằng sông Cửu Long của nhiều họa sĩ, người ta dễ bắt gặp hình ảnh cây cầu bắc qua sông rạch, kênh mương. Và thường có những cô thôn nữ bước qua cầu, áo bà bà phấp phới, phía xa là đồng lúa chín vàng mơ có cánh cò bay lả hay là những khu vườn xanh tươi nhiều hoa thơm trái ngọt.
Trong nghệ thuật nhiếp ảnh cũng vậy, những cây cầu thô sơ là đối tượng nắm bắt của các nghệ sĩ… Hầu như rất ít thấy các họa sĩ, các nghệ sĩ nhiếp ảnh vẽ hay chụp hình cây cầu bê - tông.
"Cầu tre vắt vẻo khó đi"Trong âm nhạc, những hình ảnh gần gũi, thân quen của nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long mà chắc ai cũng không quên được, dù có đi đâu xa và nhiều năm đi chăng nữa, ta vẫn thấy trong những giấc mơ, tiềm thức, những hồi tưởng, hoài niệm - có dòng sông quê, bến nước, cánh đồng, hàng dừa xanh, khu vườn trái chín, cây khế sau nhà, tiếng chim gù gáy vọng, tiếng gà trưa thanh vắng, cánh diều tuổi thơ, khói đốt đồng… Đó là hình bóng quê hương, tuổi thơ với những người thân yêu nhất, đã nuôi dưỡng tâm hồn ta từ thuở xa xưa ấy, luôn thi thoảng hiện lên với những buồn vui bất chợt của kiếp con người!
Trước đây, do điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, khoa học kỹ thuật chưa phát triển sâu rộng nên giao thông miền Tây gặp nhiều trở ngại. Sau mùa mưa lũ, cầu tre, cầu ván thường bị nước cuốn trôi, phải sửa chữa hoặc làm mới, tốn nhiều công sức. Ngày nay, nhờ chương trình xóa cầu khỉ và phát triển hạ tầng giao thông, bộ mặt nông thôn miền Tây đã đổi thay đáng kể. Đường sá, cầu bê-tông kiên cố thay thế dần những cây cầu thô sơ ngày trước. Tuy nhiên, với những ai từng sống ở miền Tây, hình ảnh cầu tre, cầu ván, cầu khỉ vẫn là ký ức khó quên – một phần của tuổi thơ, của những năm tháng gắn bó với vùng đất sông nước thân thương.