Ông có thể cho biết tiến độ Đại hội đại biểu các DTTS các cấp tỉnh Hậu Giang lần thứ IV - năm 2024 đến thời điểm này?
Ông Trương Cảnh Tuyên: Đại hội đại biểu các DTTS các cấp tỉnh Hậu Giang lần thứ IV - năm 2024 có chủ đề: "Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững". Đại hội được tổ chức ở 2 cấp: Tỉnh và huyện.
Đối với Đại hội cấp tỉnh, đến nay đã hoàn thành các quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Tổ chức chỉ đạo các địa phương tổ chức đại hội; cũng như tổ chức hội nghị, thành lập các tiểu ban giúp việc, đồng thời phân bổ số lượng đại biểu cấp huyện tham dự Đại hội cấp tỉnh.
Đối với đại hội cấp huyện, được tổ chức ở 5 địa phương có đông đồng bào DTTS, gồm: Tp. Vị Thanh và các huyện: Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành A và Vị Thủy. Trong đó Tp. Vị Thanh được tỉnh chọn Đại hội điểm.
Các địa phương còn lại tổ chức hội nghị liên tịch giữa UBND huyện với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để chọn cử đại biểu ở địa phương dự Đại hội cấp tỉnh và thực hiện một số nội dung công việc khác theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh.
Theo Kế hoạch dự kiến các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Đại hội và hội nghị xong trong tháng 6/2024, Đại hội điểm cấp huyện sẽ được tổ chức tại Tp. Vị Thanh vào ngày 7/6 tới và Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức trong tháng 11/2024.
Đại hội đại biểu các DTTS các cấp tỉnh Hậu Giang lần thứ IV - năm 2024 có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, thưa ông?
Ông Trương Cảnh Tuyên: Đại hội cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024 được xác định là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các DTTS trong tỉnh. Đại hội là dịp tổng kết, đánh giá công tác dân tộc trong 5 năm qua, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và Đại đoàn kết dân tộc; ghi nhận, biểu dương công lao đóng góp to lớn của các DTTS trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà; là diễn đàn, là dịp để giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trước thềm Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Để chuẩn bị và tổ chức Đại hội trang trọng, thiết thực, đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và đạt kết quả tốt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành triển khai, quán triệt sâu rộng mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng chỉ thị của Trung ương về lãnh đạo Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp Nhân dân Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc; kết luận của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới; tập trung tuyên truyền kết quả thực hiện chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Các ngành, các cấp quan tâm tuyên truyền sâu rộng việc tổ chức Đại hội nhằm tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo khí thế thi đua mới, sôi nổi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng - an ninh…
Như ông khẳng định, Đại hội là dịp tổng kết, đánh giá công tác dân tộc trong 5 năm qua. Vậy, ông có thể chia sẻ điểm nhấn của tỉnh trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, tính từ Đại hội lần thứ III đến nay?
Ông Trương Cảnh Tuyên: Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chiếm 4,16% dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Khmer có 24.103 người, chiếm tỷ lệ 3,3% dân số toàn tỉnh; dân tộc Hoa 6.015 người, chiếm tỷ lệ 0,8 dân số toàn tỉnh; dân tộc Chăm và các dân tộc khác 215 người, chiếm tỷ lệ 0,03% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; các chương trình, chính sách, dự án được triển khai trong vùng đồng bào DTTS mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện; văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được bảo tồn và phát triển; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ DTTS luôn được quan tâm…
Sự phát triển trên mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, quốc phòng - an ninh tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc tỉnh Hậu Giang với Đảng, Nhà nước; khích lệ đồng bào tiếp tục nỗ lực vươn lên; chủ động, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Điều đó đã được thể hiện trong Quyết tâm thư tại Đại hội đại biểu các DTTS các cấp tỉnh Hậu Giang lần thứ III - năm 2019.
Với sự đồng lòng, chung sức của đồng bào các DTTS, tính đến hết tháng 3/2024, 100% xã vùng DTTS của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt sạch, hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%; trên 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế…
Công tác bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cũng được quan tâm, với nhều kết quả nổi bật. Hiện 50% ấp, khu vực có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Công tác đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ được chú trọng; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.
Thưa ông, những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang đem lại diện mạo mới cho vùng DTTS của tỉnh. Kết quả này cũng sẽ được đề cập tại Đại hội đại biểu các DTTS các cấp. Ông đánh giá về Chương trình này như thế nào?
Ông Trương Cảnh Tuyên: Theo đánh giá kết quả bước đầu, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội các xã, ấp đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng DTTS, phát huy nguồn lực của người dân, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS của tỉnh; trình độ dân trí được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng; đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng.
Đáng chú ý là, Chương trình đã huy động được tổng hợp các nguồn lực để thực hiện, bao gồm cả nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế...; giúp đỡ, hướng dẫn Nhân dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
Qua thực hiện Chương trình MTQG 1719, người dân ở các xã vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã thực sự được hưởng lợi từ các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, dự án phát triển sản xuất. Việc khai thác có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, lòng tin của người dân với Đảng và chính quyền các cấp tiếp tục được củng cố.