Tập tục ăn tết của người Hoa kéo dài gần một tháng với ba thời điểm: "Chuẩn bị" (từ ngày 23 tháng chạp) - "Ăn tết" (từ ngày mùng 1 tết) - "Mừng năm mới" (ngày Rằm tháng Giêng). Lễ hội Nguyên Tiêu hình thành hơn hai ngàn năm trước, đến nay vẫn được người Hoa xem là thời điểm kết thúc chuỗi ngày náo nhiệt của Tết, vì qua ngày này, mọi người sẽ chính thức bước vào ngày làm việc của một năm mới.
Người Hoa khi di cư đến những vùng đến mới thường mang theo bên mình hành trang của cả một nền văn hóa và những nét đặc sắc của các ngày lễ hội. Sau khi an cư lạc nghiệp trên quê hương mới, người Hoa đã khéo léo "gọt giũa" những nét tinh túy nhất của các ngày lễ hội truyền thống để kết hợp với những nét văn hóa trên quê hương mới của mình, từ đó đã giúp cho những ngày lễ hội đặc trưng của người Hoa mang một bản sắc riêng. Lễ hội Nguyên Tiêu được tổ chức hàng năm tại quận 5 – TP. Hồ Chí Minh chính là một trong những lễ hội đặc sắc được hình thành như vậy.
Lễ hội Nguyên Tiêu ngoài ý nghĩa truyền thống mà cộng đồng người Hoa mang theo trong quá trình di cư đến vùng đất mới, còn là sự tiếp biến với văn hóa Việt. Lễ hội Tết Nguyên tiêu được tổ chức từ năm 1990 tại quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) nơi tập trung đông người Hoa sinh sống, với quy mô rất lớn. Từ năm 2000, Lễ hội Tết Nguyên tiêu được đưa vào danh mục các Lễ hội của TP. Hồ Chí Minh. Cuối năm 2019, Lễ hội Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 được Bộ Văn hóa Thể và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vào tháng 1/2020, “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa quận 5, TP. Hồ Chí Minh” được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Năm nay, sau 2 năm phải ngưng tổ chức do dịch bệnh Covid-19, Chương trình Lễ hội Tết Nguyên tiêu được tổ chức rất hoành tráng, nhiều màu sắc, mang nhiều ý nghĩa tâm linh và nhân văn, thu hút đông đảo đồng bào Hoa, người dân tại quận 5 và các nơi về tham dự, thưởng lãm. Anh Tô Nhân sống tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Hai năm rồi mới có lại không khí này, lễ hội năm nay mang rất nhiều cảm xúc, tôi sẽ đến các Hội quán để thắp hương, cầu bình an cho gia đình, cho mọi người và cầu cho đất nước yên bình, phục hồi nhanh những vết thương do Covid-19 gây ra”.
Anh Chương Linh sống tại quận 5 cho biết: “Ngoài các chương trình biểu diễn nghệ thuật, phần lễ hội diễu hành đường phố chính là nét đặc sắc, thu hút nhiều người tham gia, thưởng lãm, mang đến niềm vui sự lạc quan sau những ngày tháng mưu sinh vất vả trong năm. Bản thân tôi giờ lớn rồi vẫn thích đi theo xem đoàn rước diễu hành giống như thời nhỏ”.
Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm nay chính thức bắt đầu với tâm điểm vào chiều tối 15/2, khi đoàn diễu hành bắt đầu di chuyển trên các tuyến phố trung tâm ở quận 5 với tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu. Phía sau là các đoàn, các nhân vật tiên nữ, Phúc Lộc Thọ, quân lính, lân sư rồng, nhạc kịch... biểu diễn trên phố. Với quy mô khoảng 800 diễn viên, lễ diễu hành nghệ thuật đường phố và các chương trình biểu diễn nghệ thuật đồng loạt diễn ra tại Trung tâm Văn hóa quận 5 và Hội quán Nghĩa An là điểm nhấn nổi bật của Lễ hội năm nay.
Đặc biệt, trong lễ hội Tết Nguyên Tiêu năm nay, TP. Hồ Chí Minh còn tổ chức Tuần lễ ẩm thực với chủ đề "Không gian văn hoá, ẩm thực Việt – Hoa" diễn ra từ ngày 11/2 đến hết 20/2 tại số 107 Trần Hưng Đạo, phường 6, quận 5. Đến đây, khách tham quan có cơ hội tìm hiểu và thưởng thức hơn 100 món ăn đặc sắc trong văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt và người Hoa như: phở, bún bò, hủ tiếu, mì, gỏi cuốn, dimsum, há cảo, mì trường thọ, xá xíu, chè...
Có thể thấy, Lễ hội Nguyên tiêu đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh. Lễ hội Nguyên tiêu được tổ chức hàng năm sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, tính nhân văn, tình đoàn kết gắn bó giữa đồng bào Việt – đồng bào Hoa với các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Nhân dân Thành phố.
Một số hình ảnh diễu hành đường phố trong Tết Nguyên tiêu của người Hoa tại TP. Hồ Chí Minh.