Nhiều thách thức từ thực tế
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước không vì lợi nhuận và mục đích duy nhất, là vì cuộc sống của người dân. Tuy nhiên theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, thì mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng/tháng. Điều này đồng nghĩa với việc mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng lên hơn gấp đôi so với giai đoạn trước.
Cụ thể, nếu như mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021 thấp nhất hằng tháng là 154.000 đồng/tháng thì từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều, mức đóng thấp nhất sẽ là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021. Điều này đã và đang tạo áp lực, thách thức lớn cho công tác duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở địa phương
Đơn cử như trường hợp chị H’Na Niê (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) trước đây làm công nhân tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện nên chị được đơn vị đóng BHXH với mức thu nhập gần 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chị phải nghỉ việc và tạm dừng đóng BHXH. Dù rất muốn tiếp tục tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện nhưng vì kinh tế khó khăn; cùng với đó, mức đóng BHXH tự nguyện tăng cao nên đầu năm 2023, chị quyết định đến BHXH huyện Ea Kar để nhận BHXH một lần.
Theo lãnh đạo BHXH huyện Ea Kar, do nhiều nguyên nhân như nhận thức còn hạn chế, kinh tế người dân còn khó khăn và cả việc điều chỉnh mức đóng tăng lên đã khiến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện gặp rất nhiều trở ngại.
Cụ thể, đến cuối năm 2021 toàn huyện phát triển được 1.605 người tham gia, năm 2022 phát triển mới được hơn 400 người, nhưng cuối năm 2022 toàn huyện cũng chỉ đạt gần 1.600 người; điều này chứng tỏ số lượng đối tượng phát triển mới không đủ để bù số đối tượng ngừng đóng và rút BHXH một lần.
Tương tự, ở huyện Buôn Đôn, việc duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng đang gặp nhiều thách thức. Bà Nguyễn Thị Hữu (xã Ea Wer) nhân viên thu BHXH chia sẻ, những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, người dân nên số người mà bà phát triển tham gia BHXH tự nguyện khá cao.
Tuy nhiên, từ năm 2022, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc điều chính mức đóng tăng cao trong khi đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn đã khiến nhiều trường hợp phải ngừng đóng. Cụ thể, nếu như trong hơn 3 năm bà Hữu phát triển được trên 180 người tham gia, thì trong năm 2022 có khoảng 50 trường hợp ngừng tham gia và rút BHXH.
Cần thêm chính sách hỗ trợ người tham gia
Từ thực tế này, thời gian qua, ngành BHXH tỉnh Đắc Lắk đã tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân, cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương nắm rõ chủ trương, những khó khăn để có các giải pháp tuyên truyền linh hoạt, hiệu quả. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh mới chỉ có 18.431 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 385 người so với năm 2021.
Có thể nói, nguyên nhân chính của tình trạng này là do việc điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều, đã ảnh hưởng đến người tham gia BHXH tự nguyện do điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập hạn chế, không ổn định nên không tiếp tục tham gia hoặc không tham gia mới.
Bên cạnh đó, do tác động của tình hình dịch bệnh, đời sống kinh tế và thu nhập của người dân ở vùng nông thôn, người lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn; một bộ phận người dân nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự đầy đủ… đã và đang khiến việc phát triển đối tượng tham gia trở thành “bài toán” khó.
Mặc dù cùng với sự thay đổi của chuẩn nghèo đa chiều nông thôn, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên. Cụ thể, người tham gia thuộc hộ nghèo tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng, cận nghèo tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng, đối tượng khác tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này vẫn còn quá ít, nhất là với các đối tượng không phải hộ nghèo, cận nghèo.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, thiết nghĩ ngoài ngân sách trung ương, thì ngân sách địa phương cũng cần có những hỗ trợ thêm cho người dân tham gia BHXH tự nguyện; tiếp tục kêu gọi sự đóng góp, chung tay của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân trong việc tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện đến các tầng lớp nhân dân, đơn vị để thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc tham gia đối với lợi ích bản thân cũng như bảo đảm công tác an sinh xã hội.