Từ năm 2015, chuyển đến vùng tái định cư, mỗi hộ mới chỉ được cấp đất ở và 1 sào đất ruộng bạc màu, gần như không thể canh tác. Thiếu đất sản xuất, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Nhiều người phải lưu lạc đi làm thuê nơi khác hoặc sống lay lắt ở buôn làng.
Còn ở làng Vương và làng Xô Luông, xã Đăk Nên, huyện Kong Plông (Kon Tum), 88 hộ dân đã nhường đất cho Thủy điện Đăk Đrinh. Trước khi triển khai dự án, bà con được hứa sẽ được cấp lại 1ha đất mỗi hộ. Nhưng đến nay, thủy điện đã đi vào vận hành gần 5 năm, dự án cấp 88ha đất rẫy cho bà con vẫn nằm trên giấy!
Khu vực Tây Nguyên hiện có khoảng 190 công trình thủy điện. Hàng chục nghìn hộ dân đã phải di dời, nhường đất để phục vụ các dự án thủy điện. Riêng tỉnh Kon Tum có khoảng 6 nghìn hộ dân với hơn 27 nghìn nhân khẩu phải di chuyển khỏi nơi ở cũ về các làng tái định cư để nhường đất cho các dự án thủy điện.
Cuối năm 2017, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế khi giám sát các dự án tái định cư thủy điện tại Tây Nguyên. Nhiều dự án tái định cư chưa thực hiện đúng quy định, cam kết và chưa đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân. Đáng chú ý, việc đưa người dân tách xa nương rẫy, lên những vùng tái định cư “nhà phố”, với diện tích nhỏ, liền kề là tách hẳn người dân khỏi yếu tố văn hóa, tập tục lâu đời.
Quan điểm và chỉ đạo nhất quán của Đảng, Nhà nước là tái định cư thì cuộc sống người dân nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Thế nhưng, thực tế ở nhiều dự án tái định cư thủy điện tại Tây Nguyên thực hiện không đúng chủ trương, chính sách, nhiều buôn làng bị nghèo khó đi vì thủy điện.
TÙNG NGUYÊN