Vấn nạn "vàng tặc"
Phước Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam. Đây là địa phương có trữ lượng vàng lớn thứ hai cả nước.
Phước Sơn vì thế là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khai thác vàng và là “ma lực” đối với các đối tượng “vàng tặc”. Với địa hình hiểm trở, hơn 60% hộ nghèo, sống bám víu vào rừng, nên vấn nạn “vàng tặc” là bài toán khó giải quyết suốt hàng chục năm qua.
Dù lực lượng chức năng tổ chức truy quét, đẩy đuổi nhưng vẫn còn tình trạng người dân cố tình đi làm vàng.
Ông Nguyễn QuảngPhó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn
Còn nhớ từ giữa thập niên 1990, “cơn lốc" tìm vàng ở Phước Sơn đã kéo theo bao hệ lụy. Cả thị trấn Khâm Đức nhỏ bé, đến các xã vùng cao như Phước Kim, Phước Thành, lúc nào cũng nườm nượp người ra vào các bãi vàng, nhiều đối tượng trốn truy nã cùng tìm đến nơi đây để dung thân, tình cảnh đâm chém tranh giành lãnh địa, bảo kê, tệ nạn xã hội, gây náo loạn cả vùng núi xứ Quảng.
Sau hàng chục năm vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng cùng các chủ trương quản lý, cấp phép chặt chẽ về khai thác vàng, "cơn lốc" tìm vàng đã không còn.
Tuy nhiên, nạn "vàng tặc" vẫn đeo bám trong các cánh rừng sâu hàng chục km, các phu vàng vẫn lén lút đào bới, tàn phá màu xanh và hệ sinh thái rừng. Không những thế, tình hình an ninh trật tự ở các điểm khai thác trái phép rất phức tạp.
Trên địa bàn huyện Nam Giang, Nam Trà My hay Phước Sơn các hầm vàng, bãi vàng đều nằm sâu trong rừng, địa hình hiểm trở. Phần lớn, các phu vàng đều sử dụng một loại hoá chất cực độc dùng để phân kim vàng trong quá trình khai thác. Lượng hoá chất sau sử dụng được thải trực tiếp ra môi trường, khiến nguồn nước bị nhiễm độc nghiêm trọng, con người không thể sử dụng, các loại gia súc như trâu bò uống vào có thể chết.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc nổ, để mở rộng qui mô các hầm vàng, làm mềm đất, đá trong quá trình tìm kiếm, khai thác vàng cũng khiến cho môi trường sinh sống của nhiều loài động vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong nhiều năm qua, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hàng trăm đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi các cánh rừng, hàng trăm máy nổ, máy phát điện, máy xay đá, xe múc, cùng hàng nghìn lán trại và các thiết bị khai thác vàng trái phép, đã bị tịch thu tiêu huỷ…Tuy nhiên, khi các đoàn kiểm tra, truy quét rời đi, thì mọi chuyện đâu lại vào đấy, nạn khai thác vàng trái phép vẫn tiếp diễn.
Ông Trần Duy Minh, Kiểm lâm viên Vườn quốc gia Sông Thanh chia sẻ, bản thân về công tác tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh từ năm 2008. Qua tìm hiểu, ông Minh được biết từ những cán bộ đi trước, thì nhiều người đã làm vàng ở nơi đây từ năm 1980 kéo dài đến bây giờ. Việc khai thác vàng trái phép, không chỉ gây mất an ninh trật tự, thất thoát tài nguyên, phát sinh tệ nạn xã hội mà nguy hại hơn là phá vỡ hệ sinh thái rừng, gây ô nhiễm môi trường nước ở nhiều dòng suối, con sông.
Đánh sập các hầm vàng
Trước những bất cập kéo dài hơn 40 năm qua ở các tụ điểm khai thác vàng trái phép như: Khe Tà Vạt, bãi Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2, Trà Văn A, Khe Tăng…; đầu năm 2021, tỉnh Quảng Nam có chủ trương truy quét trên diện rộng. Lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, biên phòng tham gia chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào các điểm khai thác vàng trái phép, tiến đến đánh sập các hầm vàng trong khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh.
Để giải quyết triệt để các điểm khai thác vàng trái phép trong Vườn quốc gia Sông Thanh, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, lực lượng kiểm lâm và đội chuyên trách bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh, đã tiến hành đóng chốt ngay tại các bãi vàng, vẽ sơ đồ hiện trạng tất cả các bãi vàng đã và đang hoạt động, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng ra khỏi rừng…
Tại Vườn quốc gia Sông Thanh, có gần 100 hầm vàng, được đào sâu trong các vách núi với chiều dài cả cây số. Do có nhiều ngóc ngách, lối thoát, nên trước đây, các đối tượng khai thác vàng trái phép dễ dàng trốn thoát, chôn dấu thiết bị hoặc lấp các hầm vàng khi bị các lực lượng chức năng tiến hành truy quét. Sau khi lực lượng chức năng rời hiện trường, thì việc khai thác trái phép lại tiếp tục diễn ra.
Do đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh đã cử cán bộ đóng chốt 24/24, nhờ đó tình hình đã cơ bản được kiểm soát. Sau khi đã chốt giữ tại các bãi khai thác vàng trái phép, Ban Quản lý Vườn quốc gia đã thống kê, báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam để lên phương án đánh sập tất cả các hầm vàng trong thời gian tới. Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã thành lập một đoàn công tác đi sâu vào vùng lõi của Vườn quốc gia Sông Thanh để kiểm tra tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực này.
Hiện nay, các Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh, rừng phòng hộ Nam Giang, rừng phòng hộ Phước Sơn đã thành lập hơn 400 chốt bảo vệ rừng tại các điểm xung yếu và ngay trong rừng với trên 400 thành viên. Lực lượng quản lý rừng chuyên trách này đã góp phần ngăn chặn và hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác lâm, khoán sản trên địa bàn và giữa vùng giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Tỉnh chủ trương thực hiện giải pháp ra quân một trận thật lớn, đánh sập toàn bộ các hầm vàng, để nạn vàng tặc không tái diễn nữa. Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh tăng cường tuyên truyền cho người dân xung quanh Vườn quốc gia Sông Thanh về ý thức bảo vệ rừng.
Quảng Nam là một trong số ít địa phương còn diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất nước. Ngoài những cánh rừng di sản như: Pơ mu, Lim xanh, Đỗ quyên,… Quảng Nam còn có những Khu bảo tồn, Vườn quốc gia - nơi lưu giữ nhiều nguồn gen quí của các loài động, thực vật quý hiếm như: Sao la, Voi, Vượn má vàng, Chà vá chân nâu, chân xám, sâm Ngọc Linh, Đảng Sâm...Vì thế, những quyết sách đúng đắn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý khai thác khoáng sản, đặc biệt là việc “đánh đuổi” vấn nạn “vàng tặc”, sẽ góp phần trả lại màu xanh cho những cánh rừng xứ Quảng.