Quyết tâm bảo vệ thành quả
Có dịp đến thăm đồng bào Mông ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa), chúng tôi nhận thấy, cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi tích cực sau nhiều năm Nhà nước triển khai nhiều chính sách quan tâm đặc biệt. Các bản làng có điện lưới, có đường giao thông, nhiều hộ dân có xe máy, tivi, điện thoại thông minh; trẻ em đến trường đầy đủ… Đó là những bước tiến vượt bậc so với khoảng chục năm trước.
Đặc biệt, sau hơn 7 năm thực hiện Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020" được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt từ năm 2013 (gọi tắt là Đề án 2181), với sự tham gia trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở, thôn bản, sự đồng lòng trách nhiệm của nhiều cán bộ, đảng viên là người dân tộc Mông, đến nay, hủ tục lạc hậu trong tang ma đã được xóa bỏ.
Giờ đây, người Mông chỉ còn nhắc lại tục lệ ấy như ôn lại chuyện cũ trong ký ức. Trên các bản làng đồng bào Mông đã thực hiện nếp sống văn hóa mới, trong đó thực hiện nghi thức tang lễ theo nếp sống mới.
Từ những kết quả đạt được ban đầu, Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 19/3/2021 về triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, việc thành lập Ban vận động, tuyên truyền thực hiện Đề án trong giai đoạn mới, đã được thực hiện ở cả cấp huyện, xã và thôn bản của cả 3 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Về công tác tuyên truyền, đã hoàn thành 100% các hội nghị tuyên truyền, nội dung đã tuyên truyền đầy đủ các văn bản, quy định liên quan đến việc tang, xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng bản văn hóa ...
Chính quyền cơ sở và thôn/bản đã quán triệt tốt tinh thần về quy định thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ, chỉ đạo việc vận động gia đình tang chủ thay đổi, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; hướng dẫn và tạo điều kiện cho gia đình có người chết tổ chức tang lễ chu đáo, tiết kiệm và phù hợp với tập quán của dân tộc, địa phương, dòng họ.
Hiện nay, 100% đám tang thực hiện không bắn súng thông báo khi có người chết; 100% (44/44) bản Mông đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản.
Đồng thời, Đề án cũng đã tổ chức được 2 lớp học, với 42 người Mông tham gia về bảo tồn văn hóa truyền thống (các bài mo trong tang lễ của người Mông) do các nghệ nhân là người Mông trực tiếp truyền dạy. Tổ chức cho Trưởng dòng họ, Già làng, Người có uy tín đi tham quan trao đổi kinh nghiệm về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ với các địa phương người Mông tại tỉnh Hà Giang.
Khắc phục trở ngại, hướng đến tương lai
Ông Cầm Bá Tường, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, quá trình thực hiện đề án giai đoạn 2021 - 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, như: Thời gian tổ chức tang lễ của một số đồng bào Mông vẫn còn 3 ngày (mục tiêu Đề án không quá 48 giờ); Nhiều thôn bản vẫn chưa có nghĩa địa tập trung, chưa có đường từ bản ra nghĩa địa; mới chỉ có 62,3% trưởng dòng họ, trưởng bản, Người có uy tín của đồng bào Mông có văn bản cam kết thực hiện theo đúng nội dung Đề án được duyệt…
Trong giai đoạn 2013 - 2020, UBND tỉnh vẫn dành một nguồn kinh phí để hỗ trợ trực tiếp cho các đám tang, với trị giá 8 triệu đồng/1 đám tang, nhưng đến giai đoạn 2021 - 2025 không còn khoản hỗ trợ này nữa, trong khi đời sống người dân vẫn rất khó khăn. Do đó, việc tuyên truyền, vận động để người dân tự giác thực hiện theo nếp sống mới sẽ lại gặp trở ngại.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hủ tục lạc hậu tồn tại như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; bà con mê tín nên cúng bái khi đau ốm, thói quen sử dụng nhiều rượu, bia trong sinh hoạt hàng ngày… Những hủ tục lạc hậu trên đã và đang làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đến hoạt động lao động sản xuất cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
"Do vậy, "Đề án thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025" vẫn đang được tiếp tục thực hiện với sự nỗ lực và sự quyết tâm của đội ngũ thực thi đề án ở cơ sở", ông Cầm Bá Tường, Phó Trưởng Ban Dân tộc Thanh Hóa cho hay.
Cũng theo ông Cầm Bá Tường, giai đoạn này Đề án tiếp tục tuyên truyền cho đồng bào hiểu rõ lợi ích của việc thực hiện tốt nghi thức tang lễ theo nếp sống văn hóa mới để toàn thể đồng bào Mông đồng lòng thật sự, xóa bỏ cho được các tập tục lạc hậu còn tồn tại trong tang lễ, lựa chọn giữ gìn và phát huy những phong tục, giá trị văn hóa tốt đẹp, lành mạnh trong tang lễ, xây dựng nếp sống văn hoá mới bền vững.
Bên cạnh đó, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm vệ sinh môi trường sống và sức khỏe cho đồng bào. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế trong vùng đồng bào Mông.