Từ nhiều năm trước, đồng bào Mông ở các tỉnh phía Bắc đã du cư, đặt chân đến vùng núi thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Chọn được vùng đất cao, trù phú, họ khai hoang, mở đất, lập nên bản làng sau này được đặt tên Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu.
Người Mông đi đến đâu, họ mang theo những giá trị văn hóa của dân tộc mình đến đó. Cùng với những phong tục, tập quán tốt đẹp, cũng có không ít những hủ tục, gây cản trở đến sự phát triển kinh tế - xã hội, buộc phải thay đổi để hòa nhập với thời đại.
Ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn cho biết: Do những quan niệm, tập tục, tập quán lạc hậu lâu đời đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống, nên để xóa bỏ các hủ tục, đặc biệt là trong tang ma, cưới hỏi của người Mông cũng cần cả một quá trình dài chứ không phải ngày một ngày hai.
Tại bản Mùa Xuân, nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ông Sung Văn Cấu, Phó Bí thư Chi bộ bản cho biết, cũng như đa số các dân tộc khác, ma chay là một trong những nghi lễ quan trọng của đời người, của cộng đồng, dòng họ. Nếu như trước đây, theo tín ngưỡng, quan điểm của người Mông, khi gia đình có người thân qua đời phải tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày để tỏ lòng hiếu kính.
Ông Cấu kể, người Mông có tục lệ không đưa thi thể người chết vào trong quan tài mà giữ thi thể trong nhà nhiều ngày, có khi đến cả chục ngày để chọn ngày chôn cất người mất không cho trùng vào những ngày mất của ông, bà, bố, mẹ, họ hàng... Việc này gây mất vệ sinh. Cùng với đó, phải mổ nhiều trâu, bò để tổ chức tang ma cũng gây tốn kém cho gia chủ, có những đám tang khiến gia đình lâm vào nợ nần, khánh kiệt.
“Những năm qua, nhờ công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng, hiệu quả của các cấp chính quyền, các hủ tục đã dần được bãi bỏ. Ý thức của người dân được nâng cao, họ hiểu được ý nghĩa của việc xóa bỏ các tập tục lạc hậu và nhận thấy được lợi ích của nó. Giờ đây bà con chúng tôi thường tổ chức tang ma theo nếp sống mới”, ông Cấu nói.
Trong phong tục cưới hỏi của người Mông, với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS do Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện, đến nay tình trạng này đã được cải thiện và giảm đáng kể. Năm 2016 có 6 cặp hôn nhân cận huyết thống (tỷ lệ 0,07%), đến năm 2021, không còn trường hợp nào. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn thì vẫn tồn tại, dù có xu hướng giảm.
Ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã tổ chức 3 cuộc tuyên truyền, 10 hội nghị về Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, giai đoạn 2016 - 2020”, lồng ghép tại 3 bản của người Mông, thu hút hơn 1.300 lượt người tham gia; hỗ trợ cho 16 đám tang tại 3 bản của người Mông, với tổng kinh phí là 128 triệu đồng; quy hoạch nghĩa địa tập trung ở cả 3 bản.
Theo ông Hòa, để đời sống đồng bào Mông được cải thiện hơn nữa, các cấp chính quyền cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho đồng bào; tăng cường các điều kiện tiếp cận thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ thiết thực đối với đồng bào bằng các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội.