Nguyên nhân
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9.
Cúm A là loại cúm dễ dàng lây lan cả với người và động vật, vì thế những tiếp xúc hàng ngày cũng có thể chính là nguyên nhân gây ra tình trạng cúm này.
Lây truyền thông qua không khí trực tiếp khi tiếp xúc gần với người nhiễm virus.
Khi nói chuyện, tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với đồ vật chứa virus, tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn của người bệnh khi trò chuyện hoặc người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Tiếp xúc với những đồ dùng mà người bệnh đã sử dụng như bàn, ghế,... hoặc dùng chung các vật dụng cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc lây truyền cúm A nhanh chóng.
Người thường xuyên tiếp xúc với các loại gia cầm hoặc động vật nhiễm bệnh như lợn, gà, vịt, ngựa,...
Một nguyên nhân khá phổ biến chính là việc tập trung nơi đông người dễ lây truyền như công viên, trường học,...
Triệu chứng
Không giống như cảm lạnh thông thường, các triệu chứng của cúm thường xuất hiện đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm: ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.
Cụ thể, cúm A phổ biến với các triệu chứng thông thường, diễn biến theo giai đoạn bệnh:
Giai đoạn ủ bệnh: thường từ 2-8 ngày, có thể kéo dài đến hai tuần. Tuy nhiên tiếp xúc nhiều lần với virus dẫn đến khó xác định thời gian ủ bệnh. Trong giai đoạn này virus nằm trong cơ thể nhưng chưa phát triển mạnh nên gần như không có biểu hiện triệu chứng gì.
Giai đoạn khởi phát: Cơ thể bắt đầu có các triệu chứng sốt từ vừa đến nặng, có thể kèm rét run, ớn lạnh, cảm giác gai người, mệt mỏi có thể kèm theo chảy mũi trong, ho cơn ngắn chưa có đờm.
Giai đoạn toàn phát: sốt cao liên tục 39-40 độ, cơ thể mệt mỏi, đau mỏi người, chán ăn, đau nhức đầu đặc biệt là vùng trán, vùng mắt, đau nhức cơ bắp toàn thân. Các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, chảy mũi, ho khàn tiếng tăng nặng, có thể khạc đờm. Trẻ nhỏ có thể thấy triệu chứng tiêu hoá bao gồm biếng ăn, rối loạn tiêu hoá.
Giai đoạn lui bệnh: sau 7-10 ngày, người bệnh hết sốt, các triệu chứng giảm dần, tuy nhiên triệu chứng ho và mệt mỏi có thể kéo dài thêm vài ngày.
Nếu bệnh không diễn biến như bình thường và nặng lên gây các biến chứng thì có thể xuất hiện thêm các triệu chứng nặng như ho đờm xanh vàng, đau ngực thậm chí là khó thở, co giật…
Biến chứng của bệnh cúm A
Cúm A có thể gây biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm, trong có một số trường hợp dễ gặp phải biến chứng cúm A như trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi, nhất là người có sức đề kháng kém. Do đó, trẻ em và người cao tuổi thường có nguy cơ cao mắc phải nhiều biến chứng khi mắc bệnh.
Một đối tượng khác nếu mắc cúm A cũng có thể gặp nguy hiểm, đó là phụ nữ mang thai. Khi mang thai, cơ thể bà bầu cũng bị suy giảm hệ miễn dịch nên rất dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công, gây bệnh, trong đó bao gồm virus cúm A.
Bệnh cúm A có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan. Cần lưu ý ở một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tiến triển nặng biểu hiện như sốt cao, khó thở, tím tái do suy đa tạng và có nguy cơ tử vong cao. Đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai có thể gây ra biến chứng viêm phổi và những dị tật thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch hay bệnh lý van tim, sẩy thai...
Ngoài ra, bệnh cúm A còn có thể gây viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu và một số triệu chứng như sốt cao, khó thở, phủ phổi, tím tái. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là phù não và tổn thương gan trầm trọng có tỷ lệ tử vong cao.
Phòng bệnh cúm A
Cúm A tuy dễ lây lan nhưng chúng ta vẫn có nhiều biện pháp giúp phòng ngừa căn bệnh này ở cả trẻ em và người lớn. Dưới đây là những biện pháp giúp phòng ngừa cúm A được Bộ Y tế khuyến cáo:
Nếu bạn phát hiện cơ thể có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A thì cần nhanh chóng khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh. Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đề xuất biện pháp điều trị cũng như phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng cách rửa tay thường xuyên với dung dịch cồn/xà bông tiệt trùng sau khi đến những nơi công cộng hay cầm nắm đồ vật.
Tránh tiếp xúc với người nghi mắc cúm A, đặc biệt hạn chế tối đa việc tụ tập ở những nơi đông người trong mùa dịch.
Vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc
Thường xuyên tập thể dục, ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất để giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.
Cách điều trị cúm A
Đa số các loại cúm A có thể khỏi sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Đối với các trường hợp mắc cúm A, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại chỗ, chỉ một số ít bệnh nhân chuyển biến nặng cần phải cấp cứu kịp thời. Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị cúm A như sau:
Điều trị cúm A tại nhà
Để người bệnh nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.
Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Uống nhiều nước, ăn uống chế độ hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế uống nước lạnh.
Tắm nước ấm, bận quần áo nhẹ, thông thoáng để giảm nhiệt độ cơ thể.
Nếu trường hợp sau 7 ngày các triệu chứng vẫn chưa thuyên giảm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Trong thời gian đó, người bệnh nên hạn chế ra ngoài những nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có thì phải mang khẩu trang y tế.
Điều trị cúm A tại cơ sở y tế
Những trường hợp tiến triển nặng, người nhà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời cấp cứu và điều trị để được theo dõi, xét nghiệm và chỉ định dùng thuốc kháng virus phù hợp.
Thuốc được chỉ định để điều trị cúm A không biến chứng cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn là Tamiflu. Nếu thuốc được dùng trong 48 giờ, thời gian điều trị sẽ rút ngắn còn 1-3 ngày. Các trường hợp biến chứng nặng sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị cùng các loại thuốc kháng sinh khác.
Lưu ý thuốc Tamiflu không phải là thuốc đặc trị chữa cúm A mà chỉ là thuốc hỗ trợ điều trị, do đó hiệu quả tối đa nhất khi sử dụng trong vòng 24 giờ.
Có thể thấy, vào thời điểm giao mùa như hiện nay, cúm A rất dễ bùng phát. Vì thế, mỗi cá nhân cần có ý thức để tìm hiểu các thông tin cũng như triệu chứng cúm A để phòng chống sự lây lan của bệnh và điều trị dứt điểm khi mắc phải loại virus cúm.