Tháp Chăm Phú Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) được phát hiện vào năm 2001 tại cồn cát ven biển xã Phú Diên, nhóm công nhân khai thác khoáng sản ti tan trong khi đang làm việc đã phát hiện ra một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát từ 5m - 7m so với mặt đất.
Sau sự việc này, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai công tác bảo vệ và tiến hành khảo sát, thám sát địa điểm phát hiện khối gạch, từ đó phát hiện tháp Chăm dưới lòng cồn cát ven biển. Sự việc đã thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Tháp Chăm Phú Diên là một trong những công trình kiến trúc gạch Champa sớm nhất còn lại ở khu vực miền Trung, khoảng thế kỷ VIII. Vị trí độc đáo, quá trình phát hiện tháp và giải pháp bảo tồn như đã tiến hành trong gần 20 năm qua đã thành công nhất định.
Đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Champa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử. Sự có mặt của các hiện vật Yoni bằng đá, bình gốm… trong lòng Tháp Chăm Phú Diên là những hiện vật đặc trưng cho việc thờ cúng của dân tộc Chăm xưa nay.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam đối với "Tháp Chăm Phú Diên-Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam"; Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) quyết định xác lập kỷ lục thế giới với tiêu chí "Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới"./.