Đảng ra đời từ Nhân dân, gánh vác trách nhiệm lịch sử
Đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm những thành viên ưu tú nhất, xuất sắc nhất, trung thành nhất, là đại diện tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam đồng thời cũng là người đại diện của toàn thể Nhân dân Việt Nam, đại diện cho các quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Sứ mệnh của Đảng là lãnh đạo quần chúng đấu tranh vì cuộc sống hạnh phúc của chính họ.
Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân nhưng Đảng cũng ở trong xã hội. Cơ sở xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là giai cấp công nhân mà còn là đông đảo Nhân dân lao động và toàn thể dân tộc. Đây cũng là điểm sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh và của Đảng trong công tác xây dựng Đảng; không trái với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, nhưng đã được vận dụng sáng tạo phù hợp với những điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được nêu qua nhiều kỳ Đại hội gần đây của Đảng đã khẳng định: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Mục tiêu phấn đấu của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong các mối quan hệ quốc tế trong khu vực và trên toàn thế giới. Mục tiêu đó bảo đảm lợi ích của giai cấp công nhân cũng đồng thời thống nhất với lợi ích của Nhân dân lao động, của cả dân tộc. Mục tiêu đó cũng là “chất gắn kết” để Đảng tập hợp, đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gánh vác trách nhiệm to lớn là lãnh đạo cuộc đấu tranh gìành độc lập cho dân tộc, giành tự do cho Nhân dân, xây dựng một xã hội tốt đẹp cho con người, vì con người. Tất cả những chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược và mọi hành động của Đảng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền của Đảng đều nhằm thực hiện khát vọng cháy bỏng nhất của toàn thể Nhân dân đang còn chịu ách nô lệ thực dân - độc lập dân tộc.
Khi đã giành được chính quyền, Đảng trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng không xác định cho mình một khu vực lợi quyền riêng mà mọi hành động của Đảng đều tuân theo và nhằm thực hiện những ý nguyện của toàn dân. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (1). Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, mục đích lý tưởng của Đảng là giải phóng nhân dân khỏi áp bức bóc lột, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho Nhân dân.
“Người đày tớ trung thành” và chịu sự giám sát của nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt điều này một cách khác: Đảng là người lãnh đạo nhưng đồng thời cũng “là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”. Trong Di chúc, trước lúc đi xa người còn nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân” (2). Đây cũng là điều phân biệt rõ nét sự khác biệt cơ bản giữa sự cầm quyền của một đảng cộng sản chân chính. Đảng là một bộ phận của Nhân dân, phân biệt với bộ phận còn lại ở tính cách mạng, tính tiên phong, tính tổ chức của mình. Đảng là người lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành lấy những quyền lợi của mình và là người bảo vệ kiên quyết nhất những lợi ích của Nhân dân. Khi được Nhân dân trao cho trách nhiệm, chức quyền, mọi cán bộ, nhân viên nhà nước chỉ là người đại diện cho Nhân dân, phải “như người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận”. Vì lẽ đó, Đảng chính là “người đày tớ” trung thành nhất của Nhân dân. Những điều này nêu bật tính Nhân dân của Đảng, cũng như nhấn mạnh mốí quan hệ khăng khít, biện chứng, Đảng - Dân, Dân - Đảng là cội nguồn sức mạnh của Đảng.
Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, đối tượng lãnh đạo của Đảng không thay đổi nhưng điều kiện hoạt động của Đảng đã thay đổi về cơ bản. Điều này đặt ra vấn đề trong công tác xây dựng Đảng để Đảng không bị tha hóa bởi quyền lực, cán bộ đảng viên không bị biến chất khi đã nắm giữ những cương vị quyền lực, để Đảng không đứng trên xã hội, đứng ngoài quần chúng.
Từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh việc phải đấu tranh loại trừ những hiện tượng mất dân chủ, độc đoán chuyên quyền, đặc quyền đặc lợi của những ông “quan cách mạng”. Đấu tranh thắng lợi với những căn bệnh, những kẻ thù vô hình đó không phải là điều đơn giản. Những kẻ thù đó nhiều khi nằm trong chính những đồng chí của mình, thậm chí nằm trong chính bản thân mình. Điều này đòi hỏi Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn tổ chức, rèn luyện cả về phẩm chất và năng lực của toàn Đảng cũng như của từng đảng viên.
Một điều quan trọng khác là Đảng phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của mình để ngày càng gắn bó với dân hơn, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc: Đảng lãnh đạo nhưng dân là chủ. Đảng cầm quyền nhưng mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Đảng dựa vào dân, dân tin Đảng là nhân tố bảo đảm sự đúng đắn của đường lối và bảo đảm việc hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu của cách mạng. Đây là quan hệ biện chứng giữa chủ thể lãnh đạo và đối tượng lãnh đạo.
Quyền lãnh đạo của Đảng dựa trên sự tín nhiệm của Nhân dân. Quyền lực của Đảng được nhân dân trao cho mà có. Đó là sự ủy thác của Nhân dân. Sự tín nhiệm đó có được từ sự đúng đắn của đường lối, chính sách ở tầm vĩ mô, từ sự gương mẫu hy sinh, phấn đấu của mỗi cán bộ đảng viên trên từng cương vị của mình. Hai nguyên tắc quan trọng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao và nhiều lần nhấn mạnh trong việc bảo đảm sự tín nhiệm của Nhân dân với cán bộ, đảng viên là: “Lời nói phải đi đôi với việc làm” và “Lãnh đạo nêu gương, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Là Đảng cầm quyền, nhưng Đảng và bộ máy Nhà nước do Đảng lãnh đạo chịu sự kiểm tra giám sát của Nhân dân trong những công việc của mình. Điều này giúp sự lãnh đạo của Đảng càng thêm đúng đắn, sáng suốt, đội ngũ của Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ.
“Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn” (3). Những quan điểm này đã được Đảng và Hồ Chí Minh nhấn mạnh xuyên suốt những giai đoạn cách mạng, được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật, chỉ thị, nghị quyết, trong lý luận và trong thực tiễn.
Để bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, thực hiện vai trò lãnh đạo toàn dân xây dựng một xã hội tốt đẹp, cần nhấn mạnh phải xây dựng Đảng trong mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta: Muốn gắn bó với quần chúng thì phải tin tưởng vào khả năng và lực lượng của quần chúng, phải chăm lo đến đời sống và lợi ích của Nhân dân, nêu cao tinh thần phục vụ và tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải “Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối” (4), phải gương mẫu trước quần chúng từ lời nói đến việc làm, phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Làm được như vậy mới tuyên truyền và động viên được quần chúng hăng hái thực hiện những chính sách và nghị quyết của Đảng. Mặt khác, thông qua những phong trào cách mạng của quần chúng mà rèn luyện, xây dựng Đảng, phát triển cũng như sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên.
* * *
Trong diễn văn bế mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chỉ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đại hội biểu thị sự thống nhất ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ mới, thực hiện bằng được mục tiêu phát triển tổng quát đã nêu trong Báo cáo chính trị - Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Lời khẳng định đó và mục tiêu phát triển tổng quát đó thể hiện rõ tính nhân dân của Đảng, thể hiện rõ tinh thần vì nước vì dân của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tinh thần này kế thừa vững chắc từ truyền thống của Đảng và được nâng lên tầm cao mới.
-------------
[1] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 5, tr. 280
[2] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 15, tr. 622
[3] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 8, tr. 280
[4]Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 12, tr. 627