Quý cuối cùng của năm 2022, sự ảm đạm, trầm lắng vẫn đang bao trùm thị trường bất động sản (BĐS). Dù một số doanh nghiệp BĐS đã có các chính sách ưu đãi cho khách hàng, trong đó, giảm giá cho khách hàng lên đến 40% giá trị sản phẩm nếu khách hàng thanh toán một lần mua, nhưng nhìn chung, thị trường cũng không mấy khả quan.
Cuối năm thường là mùa gặt hái của bất động sản nhưng từ nhiều tháng nay, anh Nguyễn Văn Trà - nhân viên môi giới BĐS tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, anh thường môi giới bán chung cư. Nếu như những năm trước, thời điểm cuối năm anh kiếm mỗi tháng từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng do chốt được nhiều hợp đồng, thì năm nay không có khách hàng hỏi mua. Hiện anh Trà vẫn đang nỗ lực kết nối với khách hàng với hy vọng từ nay đến Tết Nguyên đán có thể chốt được 1 hợp đồng để kiếm tiền sắm tết. “Chưa khi nào nghề môi giới BĐS thu nhập giảm sút như thời điểm này”, anh Trà than thở.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam thông tin, từ cuối quý II năm 2022, thị trường BĐS bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng nhiều lý do khác đã khiến tâm lý chung trên thị trường là lo ngại, giao dịch bị trì hoãn, nhiều dự án BĐS đang triển khai phải nhấn nút “tạm dừng”. Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt nửa cuối năm 2022 và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ tết sớm.
"Thị trường BĐS khó khăn, nhân sự tuyến đầu như đội ngũ môi giới BĐS là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Ước lượng số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm", ông Hà cho hay.
Thị trường BĐS đang đứng trước những thách thức. Tuy nhiên, các chuyên gia BĐS vẫn tin rằng, năm 2023, thị trường này sẽ phục hồi mạnh mẽ, đi kèm với đó là sự thanh lọc. Thị trường sẽ giữ lại những doanh nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp, có trình độ và sức khoẻ tài chính, cùng với đó là sự ra đời của những phân khúc phù hợp với túi tiền và nhu cầu ở thực.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nếu bây giờ Chính phủ tháo gỡ được những vướng mắc cho thị trường BĐS thì khả năng phục hồi trong năm 2023 rất nhanh. Chậm nhất là quý IV/2023, thị trường BĐS sẽ khởi sắc.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng lưu ý: Dù còn khó khăn nhưng triển vọng của thị trường BĐS là có. Thị trường BĐS cần điều chỉnh, hạn chế đầu cơ quá đà, sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Có như vậy, thị trường mới có nền tảng phát triển tốt.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, theo TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài. Song, cơ hội để thị trường phục hồi vẫn có. Dự kiến, khoảng cuối quý II/2023, các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn. Chỉ cần gỡ những vướng mắc mà thị trường đang gặp phải gồm pháp lý, điểm nghẽn về vốn, củng cố niềm tin… thị trường chắc chắn sẽ cân bằng trở lại.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Chủ tịch Hội đồng thành viên NewstarLand lại cho rằng, không nhất thiết phải đến quý IV mà chỉ cần những tháng cuối quý II/2023, thị trường BĐS sẽ xuất hiện những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, thị trường 2023 sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ. Các dự án đáp ứng nhu cầu thực, có pháp lý đầy đủ thì mới được chào bán trong năm tới và cộng đồng khách hàng mới quan tâm xuống tiền. Điều này thực chất là đang giúp cho thị trường phát triển bền vững hơn./.