Tai ương
Sinh ra ở huyện miền núi nghèo Tân Kỳ (Nghệ An), Nguyễn Thị Phương đã sớm tha hương làm công nhân giày da xuất khẩu ở tận Bình Dương. Tuổi 20 phơi phới với bao ước mơ còn đang dang dở, thì bất ngờ Phương đổ bệnh, một căn bệnh quái ác. Cô được đưa đến điều trị tại Viện 4, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Trương Văn Chín, chàng tân binh quê miền Tây (xã Mỹ Đức Đông, Cái Bè, Tiền Giang) cũng nhập viện vì mắc zona thần kinh, chứng bệnh mà ông bà ta thường gọi là “giời leo”. Thương Phương, cô gái quê Nghệ An với giọng nói trọ trẹ, xa gia đình, lại mắc chứng bệnh quái ác, Chín đã rất quan tâm, chia sẻ với cô. Thế rồi “tình trong như đã”, chỉ là “mặt ngoài còn e” đã đến với hai bạn trẻ.
Năm 2001, Chín ra quân. Anh đã đưa người yêu về ra mắt gia đình. “Nhìn dòng Tiền Giang êm ái, nhìn cánh chim trời tung bay, mà nghe luyến lưu dâng đầy…”- lời bài hát “Hồng Ngự mang tên em” cứ xao xuyến trong lòng Phương. Cô nói, em ước một ngày gần nhất, được mặc áo cưới, được nắm tay anh, hai đứa cùng bước đi trong niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Bệnh Phương tái phát, lại phải nhập viện. Khác với lần trước, lần này chỉ trong mấy ngày mà cô giảm cân đến đáng sợ. Và tin sét đánh đã đến, khi cô được các giáo sư của Pháp thăm khám, kết luận: Với căn bệnh này, hiện nay trên thế giới chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Phương sụp đổ. “Hai chân em teo tóp, không còn đi lại được nữa. Vả lại, chuyên gia đã kết luận là không thể chữa khỏi, em làm sao dám mơ đến hạnh phúc lứa đôi. Ai người ta thèm đến với đứa con gái sống cảnh “đời thừa” như em”, Phương nhớ lại những tháng ngày đau khổ nhất.
Không một lời nhắn gửi người yêu, Phương lặng lẽ về quê. Gia đình cũng đã bán hết những gì có thể bán để chữa chạy cho Phương. Nhưng, những tiên liệu xấu nhất đã được mọi người chuẩn bị. Phương cũng thế, cô đã hết hi vọng vào sự sống, chấp nhận nằm liệt giường chờ thần chết gõ cửa.
Trái tim yêu thương
Một ngày, đang nằm liệt trên giường như bao ngày qua, em gái Phương hớt hải báo tin: Có bạn chị từ trong Nam ra. Phương mở mắt. Chín! Chàng hoàng tử như bước ra từ trong chuyện cổ tích. Không thể tin vào mắt mình, không nói được lời nào, nước mắt cô cứ thế tuôn ra. Cô khóc vì hạnh phúc. Khóc cho vơi nỗi nhớ bấy lâu. Và khóc cho cả Chín, một người đàn ông không biết đến chữ quên.
Chín đã đi tìm cô, như lời ca anh đã hát cho Phương nghe: “Em yêu ơi, em nào biết, trong tim tôi luôn thầm ước, sẽ có ngày, có ngày sống mãi bên em…”.
Kể từ đó, Chín ở lại nhà Phương-thôn Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, như một người con trong nhà. Ngày ngày, Chín chăm sóc cho Phương từng bữa ăn, giấc ngủ.... Rỗi, ai thuê gì, Chín làm nấy, không nề hà, miễn là được ở gần Phương. Tôi đã mấy bận nhờ bạn bè tìm việc cho Chín, nhưng rồi vì xa Phương nên cậu ấy lại xin nghỉ. Bố Phương, ông Nguyễn Công Lan, trầm ngâm: "Thằng Chín nó siêng lắm. Tui thương con Phương một thì thương nó mười. Tui bảo nó con về trong quê mà lo lập gia đình, năm ni 28 tuổi rồi. Con thương Phương như rứa là hai bác và em nó mừng rồi, đằng nào thì Phương cũng không thể khỏi bệnh, chỉ biết nằm chờ chết. Con đừng đợi nữa, nhưng nó nhất quyết không chịu".
Và cả Phương nữa, mỗi lần nhắc đến Chín, cô lại rưng rưng: "Em sống được đến giờ là nhờ anh Chín, nếu không có anh ấy thì em cũng chết vì buồn. Em khuyên anh ấy về quê, tìm người khác kẻo ba và anh chị buồn, nhưng anh ấy không chịu. Em ước mình được khoẻ mạnh, chỉ một tháng thôi, rồi chết cũng được, thương anh ấy lắm".
Dành dụm được ít tiền, Chín thuyết phục gia đình cho Phương quay lại Sài Gòn chữa bệnh. Ngày, cậu đi làm thuê, tối lại vào bệnh viện với Phương. 6 tháng trời không một giờ ngơi nghỉ, nhưng bệnh của Phương vẫn không thuyên giảm. Chiều theo ý Phương, Chín lại đưa người yêu về quê…
Ba ngọn nến lung linh
Chuyện tình của Chín và Phương đã lay động tâm can ông chủ của Tập đoàn Đông dược Bảo Long Nguyễn Hữu Khai. “Một ngày đầu Đông năm 2006, ông Khai đã đích thân về Tân Kỳ đón em ra Sơn Tây chữa bệnh. Thời điểm đó, cân cả quần áo, em chỉ nặng 27 kg. Em như tàu lá héo, nghĩ mình không được bao lâu nữa, nhưng ông Khai bảo, có khi điều trị Đông y có thể có hiệu quả. Em không nghĩ như thế, nhưng vì Chín, vì gia đình và người thân mà em quyết định đi viện một lần nữa”, Phương kể lại.
Ra Bảo Long, những bài thuốc Đông y đã dần cho Phương có làn da dễ coi hơn, tăng cân, và Phương đã cảm thấy có sức lực, dẫu đôi chân thì vẫn không thể cử động. Chín cầu hôn cô và đám cưới đặc biệt ấy đã được tổ chức ngay trên giường bệnh của Phương.
Mối tình thần thoại Chín – Phương đã lay động đến cao xanh. 10 tháng sau, cơ thể héo úa ấy đã đơm hoa – tin Phương có bầu làm chấn động cả bệnh viện. Người ta đã chuẩn bị phương án mổ đẻ cấp cứu cho cô, bởi không ai dám cho cô sinh thường. Nhưng, từ thân thể “lá héo” ấy, một bé trai bụ bẫm chào đời một cách tự nhiên như bao nhiêu bà mẹ khác. Cả bệnh viện lại chấn động. “Là ông trời đã ban phép màu cho nó”, ông Nguyễn Công Lan, bố Phương thốt lên như thế. Còn Phương không còn là lá héo nữa, cô luôn nở nụ cười trên môi: “Đó là ngày 13/6/2008, ngày hạnh phúc nhất của đời em, cháu Bảo Phúc ra đời. Đặt tên con là Bảo Phúc, để luôn nhớ rằng, có Bảo Long mới có gia đình ta, có Bảo Long mới có con trên cõi đời này. Và, bố mẹ mong con luôn được hạnh phúc”.
Bảo Phúc được 4 tuổi, vợ chồng Phương xin phép thầy Khai trở quê sinh sống. Một căn nhà nhỏ, căn nhà hạnh phúc, căn nhà mơ ước được mọi người chung sức dựng lên cho gia đình Phương. Ngày ngày Chín đi làm thuê, Phương ở nhà cùng bà ngoại chăm Bảo Phúc. Căn nhà nhỏ ấy luôn đầy ắp tiếng cười. Từ ngày có Bảo Phúc, Phương đỡ hẳn chứng đau nhức, tâm trạng lúc nào cũng phấn chấn. Phương rạng rỡ, nói: “Ba ngọn nến lung linh”, cứ như là bài hát dành cho gia đình em vậy!
Cũng kể từ đó, những áng văn, tứ thơ cứ thế trào dâng trong lòng người mẹ trẻ đang mang trong mình căn bệnh quái ác, dẫu cô chỉ mới học xong lớp 9. “Em thấy cuộc đời thật ý nghĩa, và mỗi một niềm hạnh phúc ta có đều bắt đầu từ những nỗ lực của bản thân. Thế nên em đã viết ra những gì mình nghĩ, viết cho Chín, viết cho con trai và viết để cảm ơn cuộc đời”, Phương hào hứng nói về những tác phẩm đã xuất bản.
Tôi chưa có thời gian đọc hết 4 cuốn sách của Phương, chỉ qua cuốn “Hành trình kỳ diệu”- được tỉnh Nghệ An chọn in làm cuốn sách truyền nghị lực sống, sống có ích cho tuổi trẻ học đường, đã thấy một Nguyễn Thị Phương tật bệnh mà can trường: “Lúc khó khăn nhất, chúng ta hãy tìm khả năng đặc biệt đang tiềm ẩn trong con người mình. Cuộc sống càng khắc nghiệt, chúng ta càng phát huy được sức mạnh đó”.