Hai mươi năm qua, nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đã được triển khai, đưa công cuộc XĐGN của nước ta đạt được những thành tựu vượt bậc. Tuy vậy, giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững vẫn là một thách thức, đòi hỏi một tư duy mới trong xây dựng chính sách.
Bài 1: Từ mô hình đến Chương trình mục tiêu quốc gia
Sau khi XĐGN trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia, cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành những quyết sách đầu tư, hỗ trợ, tạo “cú hích” phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.
Giảm nghèo ấn tượng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Tài chính), năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của nước ta đạt khoảng 4,45 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt khoảng 2,44 triệu đồng/người/tháng; riêng các tỉnh miền núi phía Bắc đạt bình quân 2,03 triệu đồng/người/tháng.
Còn năm 1996, thu nhập bình quân đầu người của cả nước đạt 226,7 nghìn đồng/người/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 187,9 nghìn đồng/người/tháng; riêng khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ đạt 173,8 nghìn đồng/người/tháng, thấp nhất cả nước. (Số liệu trích từ “Kết quả điều tra đời sống, kinh tế hộ gia đình năm 1999” của Tổng cục Thống kê).
Như vậy, sau hơn hai mươi năm, thu nhập bình quân cả nước đã tăng gần 20 lần. Trong đó, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng gần 13 lần; riêng các tỉnh miền núi phía Bắc tăng gần 12 lần.
Dẫn số liệu về thu nhập bình quân để minh chứng kết quả giảm nghèo ấn tượng của nước ta. Vào năm 1998, hộ nghèo là hộ có thu nhập dưới 55 nghìn đồng/người/tháng. Với mức chuẩn này, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta vẫn chiếm 37,4% dân số; trong đó khu vực thành thị là 9%, nông thôn là 44,9% (Số liệu trích từ “Điều tra tiêu chuẩn mức sống của các hộ gia đình Việt Nam” của Tổng cục Thống kê).
Sau hai mươi năm, đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã ở dưới mức 7%. Đây là tỷ lệ được tính ngoài tiêu chí thu nhập thì còn căn cứ vào sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin,…). Tuy nhiên, đa số các hộ nghèo hiện nay đều nghèo về thu nhập.
Cụ thể, theo Quyết định số 945/QĐ-BLĐTBXH ngày 22/6/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, trong 1.986.697 hộ nghèo trên cả nước hiện nay thì có 1.583.764 hộ nghèo về thu nhập, chiếm hơn 79,7% tổng số hộ nghèo.
Đáng chú ý, chuẩn nghèo về thu nhập hiện được áp dụng là hộ có thu nhập từ 700 nghìn đồng/người/tháng trở xuống (khu vực thành thị là 900 nghìn đồng/người/tháng trở xuống). So với thời điểm 1998 thì chuẩn nghèo thu nhập hiện nay tăng gần 13 lần.
Từ phong trào đến chính sách
Công cuộc giảm nghèo đầy ấn tượng này là kết quả của một quá trình, đi từ những mô hình nhỏ lẻ cho đến hệ thống chính sách xã hội. Từ năm 1986 đến trước năm 1998, nhiều địa phương đã chủ động tạo ra phong trào XĐGN. Mở đầu là TP. Hồ Chí Minh vào năm 1991 với chủ trương “cộng đồng giúp người nghèo vốn và cách làm ăn”. Cách làm này sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương khác và trở thành phong trào xóa đói giảm nghèo sôi động trong cả nước.
Nhưng công cuộc XĐGN thực sự bứt phá khi trở thành một hệ thống chính sách xã hội của quốc gia. Khởi đầu là Quyết định số 05/QĐ-TTg phê duyệt 7 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), trong đó có Chương trình mục tiêu về XĐGN. Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc) là thành viên của Chương trình. Từ đây, nhiều chính sách thúc đẩy XĐGN đã được ban hành.
Ngày 23/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 133/1998/QĐ-TTg phê duyệt CTMTQG về XĐGN giai đoạn 1998-2000. Đây là chương trình mục tiêu XĐGN đầu tiên của Việt Nam, được ưu tiên triển khai tại các vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK thông qua 9 dự án, với kinh phí ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng, tập trung vào những vấn đề như: xây dựng kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế, định canh, định cư…
Tiếp đến, ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), được thực hiện qua các giai đoạn I, II và III. Đây là một thương hiệu trong công cuộc XĐGN. Từ hệ thống chính sách này, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được bố trí để thực hiện mục tiêu XĐGN. Qua đó, Việt Nam trở thành điểm sáng về giảm nghèo khi về đích trước thời hạn trong việc thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói từ năm 2012, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Thành quả giảm nghèo là rất ấn tượng, tuy nhiên, như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã nhận định: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, nhất là trong đồng bào DTTS còn cao.
Một trong những nguyên nhân là do những bất cập trong xây dựng, triển khai chính sách giảm nghèo. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này trong số báo tiếp theo.
SỸ HÀO