Tài nguyên văn hóa phong phú
Bạc Liêu là tỉnh có 24 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 9,2% dân số toàn tỉnh. Trong các DTTS sinh sống trên địa bàn, đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng đông nhất, với trên 17.000 hộ, chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh.
Với Bạc Liêu nói riêng, các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam bộ nói chung, bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer là tài sản vô giá, là niềm tự hào của phum, sóc. Những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer đã góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, khi nhắc về đồng bào Khmer là nhắc đến kho tàng văn hóa đa dạng, đầy sắc màu với nhiều lễ hội truyền thống rất độc đáo. Lễ hội của đồng bào Khmer bao gồm lễ hội sinh hoạt truyền thống và lễ hội sinh hoạt tôn giáo như: Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, Oóc om bóc, lễ nhập hạ...
“Được hình thành lâu đời và xuất phát từ đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, lễ hội truyền thống là minh chứng tiêu biểu cho nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer nói riêng, các DTTS nói chung. Với sự độc đáo vốn có, các lễ hội của đồng bào Khmer đã trở thành những điểm nhấn văn hóa của đất và người Bạc Liêu”, ông Thăng cho biết.
Cùng với các lễ hội truyền thống, đồng bào Khmer ở Bạc Liêu còn lưu giữ và phát triển nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống rất đặc sắc. Trong đó, không thể không nhắc tới nhạc ngũ âm, một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong các dịp diễn ra lễ hội, tết cổ truyền của đồng bào Khmer.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Ngô Vũ Thăng, dàn nhạc ngũ âm được xem là tài sản văn hóa quý báu của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu nói riêng, ở khu vực Tây Nam bộ nói chung. Năm 2022, Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu đã được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang, thu hút được rất đông khán giả thưởng thức.
“Nhạc ngũ âm chủ yếu là nhạc không lời, có thể kết hợp với những điệu múa uyển chuyển đặc trưng, trong trang phục truyền thống của phụ nữ Khmer. Tất cả tạo nên sức hút đặc biệt của văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu”, ông Thăng nói.
Cùng với các giá trị văn hóa phi vật thể, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn có nhiều công trình văn hóa – kiến trúc độc đáo của đồng bào Khmer, có giá trị không chỉ về tinh thần mà còn là tài nguyên để phát triển du lịch. Nổi bật trong đó là hệ thống chùa Khmer với những kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.
Theo bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có 22 ngôi chùa Khmer. Với đồng bào dân tộc Khmer, ngôi chùa là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Chùa không chỉ là nơi đọc kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo mà còn là nơi tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Cùng với đó, chùa còn được xem là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo của đồng bào dân tộc. Đến với chùa Khmer, có thể tìm thấy những đội kèn, trống, nhạc Ngũ âm, đội ghe Ngo,...”, bà Phương chia sẻ.
“Đánh thức” tiềm năng
Tài nguyên phát triển du lịch văn hóa, nhất là ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ở tỉnh Bạc Liêu là rất lớn. Tuy nhiên, tài nguyên đó chủ yếu vẫn đang ở dạng tiềm năng, chưa được “đánh thức”. Trong khi đó, văn hóa của đồng bào luôn tiềm ẩn nguy cơ mai một, dễ bị “tổn thương” trước những tác động của xã hội hiện đại.
Theo ông Hứa Ngọc Triệu, Phó Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, xác định được cơ hội cũng như thách thức trong phát triển du lịch văn hóa Khmer nói riêng, của cả tỉnh nói chung, trong những năm qua, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, trong đó có văn hóa đồng bào Khmer.
Đặc biệt, thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh đã phân bổ hơn 17 tỷ đồng cho việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa như: Nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, trang phục, lễ hội... của đồng bào Khmer. Từ năm 2021 – 2023, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức trình diễn, tái hiện 2 lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer là Tết Chol Chnam Thmay, Lễ hội Ok om bok. Hiện tại, Bạc Liêu là địa phương duy nhất trong khu vực có nhà hát biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khán giả hằng tuần.
“Hằng năm, vào các dịp lễ hội lớn, các phum, sóc của người Khmer vô cùng nhộn nhịp. Sự độc đáo, náo nhiệt của các lễ hội này đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu”, ông Triệu cho biết.
Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, được “tiếp sức” từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, bản sắc văn hóa tuyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu đã và đang được bảo tồn, phát huy giá trị. Trong kế hoạch thực hiện Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719, đến năm 2025, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS tại các chùa Khmer (chùa Soryaram, huyện Vĩnh Lợi; chùa Sarey Pothi Mengkol, huyện Hòa Bình;...). Ngoài ra, Bạc Liêu còn hỗ trợ 850 triệu đồng để sửa chữa, tu bổ 17 chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
Đồng thời, tỉnh cũng đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao tại 60 ấp thuộc các xã, phường, thị trấn vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Hiện tỉnh đang thực hiện hỗ trợ kinh phí hoạt động 20 triệu đồng/năm cho trung tâm văn hóa - thể thao xã, 5 triệu đồng/năm với khu văn hóa - thể thao ấp.
Việc nâng cấp cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa ở địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân; từ đó nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu.
Theo ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, để văn hóa dân tộc Khmer duy trì sức sống lâu dài trong đời sống của người dân, đòi hỏi sự định hướng và đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ của Trung ương, của tỉnh và sự quan tâm sâu sát trong triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp. Quan trọng hơn, đồng bào cần phát huy ý thức tự hào dân tộc để ra sức khôi phục, giữ gìn tài sản độc đáo mà ông cha đã truyền lại.
“Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ được tỉnh thực hiện thường xuyên, hiệu quả bằng nhiều quyết sách. Qua đó đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của Nhân dân, nâng cao ý thức gìn giữ những lễ hội truyền thống và xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc ở Bạc Liêu”, ông Thăng khẳng định.
Ngày 06/8/2024, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND về thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh. Với Dự án 6, tỉnh Bạc Liêu sẽ xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS tại chùa Soryaram (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), đình Tân Hưng (phường 3, TP. Bạc Liêu), chùa Sarey Pothi Mengkol (huyện Hòa Bình); đồng thời cải tạo nhà văn hóa ấp, khóm thuộc các xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS.