Động lực thoát nghèo cho đồng bào DTTS
Có dịp về huyện vùng cao Bắc Trà My mới thấy rõ sự đổi thay trong đời sống đồng bào DTTS nơi đây. Với chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND huyện bằng nhiều chương trình hành động, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân, Bắc Trà My đã khoác trên mình tấm áo mới
Năm 2023, gia đình ông Nguyễn Văn Khang, dân tộc Cor, ở thôn 1, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (theo Nghị định 28 - chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719) để đầu tư trồng 20 nghìn cây keo trên diện tích 5ha vùng đồi núi.
"Từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, người dân đã có ý thức chủ động, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống. Các chính sách như vay vốn cho hộ nghèo đồng bào DTTS, hỗ trợ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế… được huyện thực hiện đầy đủ, góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo".
Ông Thái Hoàng VũChủ tịch UBND huyện Bắc Trà My
Đến thời đểm này, cây keo của gia đình ông Khang đang sinh trưởng tốt, cho thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, dự kiến cho thu hoạch sau 7 năm, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thẩn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Trà Giang, toàn xã có 30 hộ đồng bào DTTS vay vốn theo Nghị định 28 với tổng dư nợ 2,2 tỷ đồng. Với nguồn vốn vay đầu tư trồng keo, các hộ vay vốn đều bày tỏ quyết tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất để có thu nhập ổn định, lâu dài.
Ở huyện Bắc Trà My, những năm gần đây, với nguồn lực từ các Chương trình MTQG, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có những bước tiến mới, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm 2 - 3%/năm, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhiều hộ đồng bào DTTS ở các xã vùng cao đã biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá.
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định, từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, người dân đã có ý thức chủ động, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống. Các chính sách như vay vốn cho hộ nghèo đồng bào DTTS, hỗ trợ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế… được huyện thực hiện đầy đủ, góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo.
Tại huyện Tây Giang, những mô hình trồng cây dược liệu đang được triển khai mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền sinh kế bền vững và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho người dân có nguồn thu nhập và nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Là một trong những người tiên phong trong trồng cây sâm ba kích, gia đình già làng Bhríu Pố ở xã Lăng, huyện Tây Giang mỗi năm khai thác khoảng 2.000 gốc sâm với nguồn thu nhập ổn định từ 120 -170 triệu đồng.
Trong thời gian qua, huyện Tây Giang đã đưa vào trồng những cây dược liệu quý như đảng sâm, ba kích, thảo quả, táo mèo.... Đồng thời xây dựng các “mô hình cây dược liệu liên kết theo chuổi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm”... bước đầu nâng cao giá trị. Từ việc phát triển trồng các loài dược liệu, trên địa bàn huyện đã hình thành 10 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ, góp phần rất lớn trong giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719, hướng tới giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong thời gian từ năm 2022 - 2023, Trung ương phân bổ trên 1.200 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Nam. Trong đó vốn đầu tư chiếm trên 600 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoảng gần 600 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn đối ứng của địa phương 15%.
Sau gần bốn năm triển khai Chương trình MTQG 1719, ngoài việc đa dạng hóa các mô hình sinh kế, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã lồng ghép thực hiện hàng loạt công trình như: Nhựa hóa và bê tông hóa được 51 công trình giao thông; xây mới và kiên cố hoá 10 công trình thủy lợi và điện; xây mới và nâng cấp 56 công trình giáo dục; 23 công trình về văn hóa; xây mới 2 công trình thương mại nông thôn; và nhiều dự án về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch…
Dự kiến, với nguồn vốn được chuyển nguồn từ năm 2023 sang, cùng với nguồn của năm 2024, Quảng Nam sẽ bố trí để thực hiệu quả hơn đối với các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Bởi, mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra yêu cầu là phấn đấu giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm số hộ nghèo tối thiểu là 3%/năm, nên nếu nguồn vốn trả về Trung ương thì việc thực hiện cũng gặp khó khăn.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc thực hiện ba Chương trình MTQG có ý nghĩa xã hội rất lớn đối với Quảng Nam. Do vậy, thời gian tới, các sở ban ngành, hội đoàn thể cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân các nguồn vốn đã được giao.
“Yêu cầu đặt ra đối với các địa phương là cuối tháng 6/2024 phải giải ngân hết nguồn vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023; cuối tháng 8/2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2023; cuối tháng 12/2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2024”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong thời gian từ năm 2022 - 2023, Trung ương phân bổ trên 1.200 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Nam. Trong đó vốn đầu tư chiếm trên 600 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoảng gần 600 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn đối ứng của địa phương 15%.