Khi lòng dân đồng thuận…
Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Kỳ Sơn đối mặt với muôn vàn khó khăn. Khó khăn ban đầu không chỉ là địa bàn xa xôi cách trở, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%, đồng bào DTTS chiếm hơn 95%; mà có những khó khăn đến từ việc cần phải tuyên truyền, vận động làm sao để mỗi người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình, từ đó tự giác, đồng thuận tham gia.
Ngay khi có kế hoạch hướng dẫn triển khai Chương trình MTQG 1719 của tỉnh Nghệ An, huyện Kỳ Sơn đã quyết liệt chỉ đạo UBND các xã thành lập Ban Quản lý các Chương trình MTQG; đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và các năm cụ thể.
Để Chương trình thực hiện hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các chủ đầu tư, thực hiện đúng quy định của Luật Xây dựng và các văn bản về quản lý dự án đầu tư xây dựng và đôn đốc tiến độ thực hiện nguồn vốn qua hàng năm.
Trên tinh thần này, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, làm cho mỗi người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình MTQG 1719.
Trưởng bản Yên Hòa xã Mỹ Lý Vi Văn Vinh chia sẻ: Chúng tôi được nghe xã họp bàn triển khai thực hiện các chương trình và nhận thấy, đây là chương trình thiết thực, có tác động sâu rộng đến mọi người dân. Vì thế, khi họp bàn với người dân tại bản, chúng tôi cũng đã truyền đạt lại chủ trương này và người dân rất phấn khởi, đồng thuận phối hợp cùng chính quyền để thực hiện.
Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: Mục tiêu tổng quát của Chương trình MTQG 1719 là hướng đến tổng thể nhu cầu, từ ổn định dân sinh đến phát triển kinh tế và giữ vững chính trị, đặc biệt là vùng biên giới. Đây là điều phù hợp với những nội dung, kế hoạch, chương trình mà huyện Kỳ Sơn đã định hướng chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Vì vậy, việc triển khai Chương trình MTQG này, là “động lực” lớn “nhân thêm” niềm tin, hy vọng cho không chỉ cán bộ, đảng viên toàn huyện; mà quan trọng hơn là cho tất cả đồng bào các DTTS sinh sống trên địa bàn. Đó cũng là lý do lớn mà huyện quyết tâm cao, người dân đồng lòng hưởng ứng, tích cực phối hợp cùng chính quyền, các nhà thầu thực hiện các nội dung, hợp phần dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả
Diện mạo mới của huyện 30a
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương và địa phương cấp cho Kỳ Sơn từ năm 2022 đến ngày 20/02/2024, là hơn 634 tỷ đồng. Theo đó, nhiều hạng mục hạ tầng cơ sở, công trình dân sinh, dự án sinh kế và nhiều vấn đề an sinh xã hội cấp thiết… ở huyện Kỳ Sơn đã được đầu tư, nâng cấp và giải quyết.
Như ở xã Chiêu Lưu, nhiều công trình dân sinh đã được xây dựng, hoàn công và được đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi diện mạo xã miền núi; cũng như tạo điều kiện để đồng bào phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Dẫn chứng rõ nhất, là công trình nhà văn hóa bản Cù – một công trình có nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng từ Chương trình MTQG 1719. Công trình khi hoàn công bàn giao đưa vào sử dụng, với diện tích hơn 1.000m2 đã trở thành nơi hội họp và sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào Thái ở bản Cù.
Hay như tuyến đường vào khu sản xuất bản Xiêng Thù, với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng. Tuyến đường được đổ bê tông sạch sẽ và đưa vào sử dụng, đã tạo điều kiện cho đồng bào có thể đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, thuận lợi để canh tác và vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.
Sau trận lũ quét lịch sử năm 2022 ở xã Tà Cạ, cùng với nguồn vốn đầu tư của Chương trình MTQG 1719 kết hợp các nguồn vốn khác, huyện Kỳ Sơn đã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con các bản Hòa Sơn, Sơn Thành.
Từ tâm lũ, sự hỗ trợ phương tiện máy móc cải tạo đất, vật tư phân bón, giống, hệ thống đường ống dẫn nước, lưới… những mô hình kinh tế của bà con đã nảy nở, cho quả ngọt. Như hộ gia đình ông Vi Văn Dũng ở bản Hòa Sơn, vụ đông xuân 2022-2023, từ hơn 2.000m2 vườn được ông Dũng cải tạo để trồng trồng dưa, rau, bầu, bí…; cùng với chăn nuôi lợn, ao cá đã cho gia đình ông thu nhập gần 40 triệu đồng (chưa kể nguồn thu nhập từ chăn nuôi bò).
Qua thống kê của huyện Kỳ Sơn, những nhu cầu thiết yếu của đời sống dân sinh như điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, nhà ở, đất sản xuất… đã rất được địa phương quan tâm, thực hiện tốt. Tính đến nay, 11 hộ có khó khăn về đất ở, 113 hộ có khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ; các hạng mục nước sinh hoạt phân tán và nước sinh hoạt tập trung cũng đã được đầu tư xây dựng, giúp cho nhiều người dân ở Mỹ Lý, Bảo Nam, Mường Lống, Nậm Cắn, Tây Sơn…được thụ hưởng.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã đầu tư xây dựng mới 68 công trình và sửa chữa hơn 40 công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa; cứng hóa 5 công trình giao thông trọng điểm; cải tạo 2 trạm y tế xã Mường Típ và Mường Ải; nâng cấp chợ Mường Lống; xây dựng cầu giao thông kết nối các xã biên giới…
Để có sinh kế bền lâu, công tác phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đã được huyện thực hiện gắn với xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, gồm các sản phẩm chè tuyết shan, gà đen, gừng, hồng, rau hữu cơ.... Những sản phẩm này của người dân Kỳ Sơn đã nức tiếng và đang là mặt hàng theo du khách đi đến muôn nơi.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định: Hiệu quả từ thực hiện Chương trình MTQG 1719 đang góp phần giúp bộ mặt nông thôn miền núi Kỳ Sơn tiếp tục có những chuyển biến tích cực. "Huyện Kỳ Sơn sẽ tiếp tục tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư từ các chương trình MTQG, nhất là nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 để đầu tư củng cố và hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cơ sở, giải quyết những nhu cầu cấp thiết trong đời sống dân sinh của Nhân dân, nhất là các mô hình sinh kế bền vững"./.