Qua tìm hiểu của chúng tôi, giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn được phân bổ cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 (chương trình MTQG 1719) của Quỳ Hợp, là gần 340 tỷ đồng. Hiện tại, đã có 130 công trình, dự án đã được HĐND tỉnh thông qua; trong đó có 110 công trình, dự án do xã làm chủ đầu tư và có 20 công trình, dự án do huyện làm chủ đầu tư.
Đây là nguồn lực đáng quý để góp phần làm thay đổi diện mạo huyện miền núi Quỳ Hợp – một huyện có đồng bào DTTS chiếm gần 54%, với 14/21 xã khu vực III.
Tính đến tháng 3 năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư được phân bổ cho huyện là 249,348 tỷ đồng để bố trí cho 85 dự án (20 dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư và 65 dự án do UBND xã làm chủ đầu tư) và 1 gói hỗ trợ nhà ở (đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 52 hộ dân với số kinh phí 2,88 tỷ đồng).
Điều rất đáng quan tâm, trong số 85 dự án nêu trên, có 46 dự án đã hoàn thành, có 13 dự án đã khởi công và vẫn còn 26 dự án chưa khởi công. Ở 26 dự án chưa khởi công, có 21 dự án do UBND các xã làm chủ đầu tư, và 5 dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư, gồm 1 công trình chuyển tiếp (Xây dựng, nhà khoa khám chữa bệnh, nhà khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, trạm điện; cải tạo nhà 2 tầng thuộc Trung tâm Y tế huyện) và 4 công trình khởi công mới năm 2024 (Xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung bản Khạng, xã Yên Hợp; Xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung xóm Tây Lợi, xã Văn Lợi; Xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung xóm Xuân Lợi, xã Văn Lợi; Xây dựng đường giao thông từ xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp đi xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông).
Hiện nay, trong 26 dự án chưa khởi công, chỉ có dự án Xây dựng đường giao thông từ xã Bắc Sơn (huyện Quỳ Hợp) đi xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông) đang thực hiện các bước trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
Theo Giám đốc Ban Quản lý các dự án huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) Phạm Đình Thông, các dự án chưa khởi công là do đang vướng mắc các thủ tục ở tỉnh. Đây là những dự án phải trải qua 2 bước, trong đó bước 1 là UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt tư vấn thiết kế.
Ông Thông cho biết thêm: từ tháng 6/2023 thì các dự án này đã được tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đến tháng 2/2024 thì tỉnh mới có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu. Sau khi có bước này, thì huyện mới thực hiện các bước tiếp theo. Các dự án đều vướng nội dung tương tự là phải trải qua 2 bước, nhưng ở bước 1, tỉnh phê duyệt chậm nên dẫn đến các bước tiếp theo đều chậm.
Việc triển khai Chương trình MTQG 1719 ở huyện Quỳ Hợp còn gặp thêm nhiều khó khăn, vướng mắc khác. Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, quá trình triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 3, không có kinh phí hỗ trợ công tác quản lý, kiểm tra, nghiệm thu thực hiện. Riêng địa bàn xã Liên Hợp do chưa có bản đồ số hóa nên khó khăn làm ảnh hưởng đến quá trình đo đạc, xây dựng bản đố số hóa đất lâm nghiệp, dẫn đến sai lệch so với thực tế giao đất theo Nghị định 163.
Đối với Tiểu dự án 3 của Dự án 5, nguồn vốn được giao thực hiện trong năm 2022 – 2023 quá nhiều so với nhu cầu học nghề của người lao động (khoảng 110 lớp sơ cấp nghề dưới 3 tháng). UBND huyện đã giao mỗi xã phải mở được từ 2 - 3 lớp đào tạo trình độ sơ cấp (đào tạo dưới 3 tháng) trong năm 2023, nhưng các xã không thực hiện được, do nhu cầu học nghề của người lao động không nhiều, đăng ký học nhiều ngành nghề khác nhau gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, mở lớp.
Mặt khác, hệ thống cơ sở vật chất, lượng giáo viên dạy nghề của Trung tâm GDNN-GDTX huyện còn thiếu; chưa kể, trung tâm GDNN-GDTX huyện không có chức năng đào tạo nghề dưới 3 tháng. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp không có các trường giáo dục nghề nghiệp để đào tạo, dẫn tới khó thực hiện.
Khắc phục những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 là những nội dung trọng tâm mà cấp ủy, chính quyền huyện Quỳ Hợp đang rốt ráo thực hiện. Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp nhấn mạnh những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian trước mắt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719, chính là tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở, chú trọng vai trò kiểm tra giám sát và tuyên truyền vận động của Ban Dân tộc HĐND huyện, Uỷ ban MTTQ, các ngành đoàn thể và nhân dân.
Bên cạnh đó, huyện sẽ đôn đốc, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, giải ngân và quyết toán các công trình, dự án năm 2022, năm 2023 và các công trình, dự án thực hiện năm 2024 gắn với việc phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát một số chương trình, chính sách, dự án đã và đang triển khai thực hiện ở một số cơ sở trên địa bàn./.