Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Hàng năm, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5.
Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá". Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.
Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, tổ chức giáo dục về phòng chống tác hại thuốc lá trong các cấp học, công tác kiểm tra giám sát...
Công tác phòng chống tác hại thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: So với năm 2015, Tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% (năm 2015) xuống 13% (năm 2020). Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng chống tác hại thuốc lá.
Bên cạnh những thành công bước đầu, công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại nước ta vẫn đang gặp phải những khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet…
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Ngày 24/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 sẽ là định hướng quan trọng cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn kêu gọi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá. Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, cùng chung tay xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng.
Phát biểu tại lễ mít ting Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: Chủ đề toàn cầu năm nay, “Chúng ta cần lương thực, không cần thuốc lá” nhằm khuyến khích nông dân trên khắp thế giới trồng các loại cây trồng bền vững, bổ dưỡng thay vì thuốc lá.
Mặc dù trồng cây thuốc lá chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam, nhưng việc trồng thuốc lá cũng chiếm mất phần đất mà có thể được sử dụng một cách hiệu quả hơn. Vì thế, WHO khuyến nghị các chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích nông dân thuốc lá chuyển sang các loại cây trồng khác, đặc biệt là cây lương thực.
Giảm trồng cây thuốc lá cũng sẽ là biện pháp đồng bộ với các tiến bộ đáng kể đã đạt được trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá của Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây, thể hiện bằng việc giảm đều đặn tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành và thanh thiếu niên, cũng như việc giảm phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.
Để giảm số người chết sớm này và để đạt được mục tiêu giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một ưu tiên rất cao là tăng thuế và giá thuốc lá vì giá thuốc lá ở Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất trên thế giới. Điều này khiến những người trẻ tuổi dễ tiếp cận và dễ bắt đầu hút thuốc. Hơn nữa giá thuốc lá thấp sẽ làm cho việc bỏ thuốc của những người đang hút thuốc trở nên khó khăn hơn.
Truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực kiểm soát thuốc lá. Chúng ta cần tăng cường nỗ lực tập thể để cảnh báo mọi người ở mọi lứa tuổi về tác hại nghiêm trọng mà việc sử dụng thuốc lá có thể gây ra cho các cá nhân và gia đình, và gánh nặng chi phí đáng kể mà việc này đặt lên các hộ gia đình và hệ thống y tế.
Cũng theo Tiến sỹ Angela Pratt, WHO cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ để bảo vệ người dân và nền kinh tế của Việt Nam khỏi tác hại của thuốc lá.