Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cung cấp nhiều thông tin quan trọng về thực trạng sử dụng thuốc lá (thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng, Shisha) tại Việt Nam gần đây; tình hình thiệt hại kinh tế và tổn thất nặng nề về sức khỏe, chi phí điều trị y tế do thuốc lá gây ra.
Trong đó, đáng chú ý là thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khó chữa như: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp liệu, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim… Mỗi năm tiêu thụ thuốc lá tốn kém ước khoảng 49.000 tỷ đồng…
Tại Việt Nam, ước tính số người hiện đang hút thuốc lá là khoảng 15,4 triệu người (trong đó đa số là nam giới). Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo nghiên cứu về sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6% năm 2020.
Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi, với tỷ lệ là 7,3% so các nhóm tuổi: 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%) - số liệu nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh năm 2020.
Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Ts.Bs. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây, trên thị trường xuất hiện của thuốc lá điện tử, Shisha, loại hình gây nghiện đang tác động nặng nề tới sức khỏe và tinh thần của giới trẻ với hình ảnh quảng cáo đa dạng, bắt mắt, hấp dẫn giới trẻ trên mạng xã hội. Đây là vấn đề bức thiết, đáng báo động trong cộng đồng.
Thuốc lá điện tử được xem là một dạng của thuốc lá, nên việc mua bán, kinh doanh mua bán thuốc lá điện tử phải đáp ứng các điều kiện như khi kinh doanh mua bán thuốc lá. Hiện chưa có quy định nào điều chỉnh cụ thể về thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, hiện nay thuốc lá điện tử được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và được bán, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Tại Hội nghị, các chuyên gia truyền đạt những thông tin ý nghĩa về thực trạng sử dụng thuốc lá và tình hình triển khai các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá; trình bày một số nhận định sai lầm và sự thật về tác hại của sản phẩm thuốc lá mới; truyền đạt kỹ năng viết bài, tin tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức cũng đã đưa ra những kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các học viên là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; cán bộ các Sở Thông tin và Truyền thông; Phòng Văn hóa thông tin…
Theo đó, để truyền đạt được nhiều thông tin đến với cộng đồng, người viết có thể viết các dạng bài phóng sự, bài phản ánh, bình luận. Bên cạnh những số liệu mới, thông tin cần cập nhật, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá… thì người viết có thể đưa ra những câu chuyện cảm động, nhân vật truyền cảm hứng, mô hình hay đạt nhiều lan tỏa. Qua đó, thông tin dễ tiếp cận hơn đến với được đọc.
Hội nghị góp phần nâng cao nhận thức trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là loại thuốc lá mới, đồng thời, nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên và các cơ quan tuyên truyền.